hãi, chỉ lạnh lùng nói: “Phàm kẻ nào muốn cướp đoạt lương thảo cứu đói,
giết không tha!” Đoạn gã lại giơ tay phải, cung thủ trên xe lập tức lắp tên.
Hạng trưởng lão thấy vậy kinh hãi, vội kéo Khấu Nguyên Kiệt đi. Khấu
Nguyên Kiệt không cam tâm, quay đầu trừng mắt hằn học nhìn Vân Tương
rồi mới cùng Hạng trưởng lão tẩu thoát.
Tiêu bá nhảy xuống ngựa, bước tới nhìn kỹ những hán tử hắc y nằm
chết la liệt, lão quay đầu nhìn Vân Tương, giọng nói đầy lo lắng: “Là người
của Ma Môn, xem ra chúng đã bắt đầu hành động, xâm nhập vào Trung
Nguyên rồi.”
Khi trông thấy Khấu Nguyên Kiệt, Vân Tương đã biết những huyết án
cướp lương thảo xảy ra gần đây chắc chắn là hành động của Ma Môn. Cũng
chính những huyết án này đã khiến gã sinh lòng cảnh giác, không tiếc vung
tiền mua loạt nỏ liên châu Gia Cát, đồng thời thuê thêm mấy chục cung thủ
mai phục trong xe. Đoàn xe ngựa đông đúc như vậy, thực ra mấy chục xe đi
đầu và chốt cuối đều là chiến xa được trang bị cung nỏ, chỉ có ở giữa mới là
xe áp lương. Để thu xếp đoàn xe lớn này, Vân Tương cơ hồ đã khuynh gia
bại sản, nhưng nghĩ tới tình trạng thiên tai ở Hà Nam, gã chẳng còn bụng dạ
nào để tâm chuyện đó.
“Công tử, tuy chúng ta đã bình an chuyển lương thảo đến địa phận Hà
Nam, nhưng cứu chẩn thế nào cũng là vấn đề khó.” Tiêu bá thúc ngựa tới
bên cạnh Vân Tương, lo lắng nhắc gã. Số lương thảo này một khi chuyển tới
trước mặt nạn dân, ắt sẽ gây ra cảnh cướp bóc, tranh giành, phần nhiều rơi
vào tay những kẻ khỏe mạnh, chỉ khổ phận già lão, phụ nữ và trẻ nhỏ yếu ớt.
Bởi vậy, nhất thiết phải có một tổ chức chuyên phụ trách cứu tai mới có thể
bảo đảm phân chia công bằng. Giao cho quan phủ tất nhiên có thể rảnh tay,
nhưng Vân Tương không tin quan phủ. Gã trầm ngâm một lát, sau đó quả
quyết nói: “Xây dựng phân đường của Tế Sinh Đường tại những châu huyện
chịu thiên tai nặng nhất, sau đó chọn những người già đức cao vọng trọng ở
các nơi lo liệu, chúng ta phụ trách giám sát, như vậy may ra mới bảo đảm
được số lương thực này có thể cứu sống nhiều dân chúng hơn.”