Tư Tưởng Thiền Của Tăng Hội
Danh từ thiền định ta thấy được nhắc một lần trong kinh Tứ Thập Nhị
Chương ngay trong câu đầu. Những người trích dịch kinh này lại dùng
những chữ có thể thay cho danh từ thiền, như danh từ "hành đạo" chẳng
hạn. Kinh có nói "quán thiên địa, niệm vô thường"; đây là một phép thiền
gọi là vô thường quán... Sách Lý Hoặc Luận của Mâu Tử không nói đến
thiền, có lẽ vì sách này chú trọng về việc biện luận hơn kinh Tứ Thập Nhị
Chương, một cuốn sách gối đầu giường của tăng sĩ. Sự có mặt của những
cuốn kinh về thiền đem xuống từ Lạc Dương vào đầu thế kỷ thứ ba và cái
học Đại Thừa của Tăng Hội đã là những yếu tố đẩy mạnh phong trào thiền
học.
Thiền học đối với Tăng Hội không phải chỉ là những phương pháp hành
đạo mà còn có cả một căn bản triết học về tâm học. Trong bài tựa An Ban
Thủ Ý Kinh, Tăng Hội nói: "Trong thời gian búng ngón tay, tâm ý ta có thể
trải qua 960 lần chuyển niệm: trong thời gian một ngày một đêm, ta có thể
trải qua 13 ức ý niệm. Dùng phương pháp đếm hơi thở... ta có thể khử bỏ
13 ức ý niệm không trong sạch ấy."
An Ban tức là Ānāpāna (An Na Ba Na), nghĩa là hơi thở. Thủ Ý là sự nhiếp
tâm, định tâm. An Ban Thủ Ý tức là dùng phương pháp điều khiển hơi thở
để điều phục tâm ý. Có sáu pháp gọi là lục diệu môn:
1. Sổ Tức Môn: điều phục thân thể, đếm hơi thở từ một đến mười, tập
trung tâm tư vào sự đếm để trừ diệt loạn tâm, đi vào định.
2. Tùy Môn: theo dõi hơi thở, ý thức được trong từng giây sự ra vào của
hơi thở. Bỏ con số mà theo hẳn hơi thở.
3. Chỉ Môn: bỏ sự theo dõi hơi thở để thực hiện sự ngưng lặng (chỉ).