4. Quán Môn: tuy là ở trong định nhưng tuệ giác chưa phát hiện. Phải
quán về tâm, về ngũ ấm và những quan điểm sai lạc như ngã, ngã sở... để
khơi mở tuệ giác.
5. Hoàn Môn: Xoay về quán sát tự tâm để phá trừ quan điểm nhị nguyên
về chủ thể, quán sát đối tượng, phá trừ ngã chấp.
6. Tịnh Môn: Trạng thái vô phân biệt chủ thể và đối tượng kia vẫn chưa
phải là chứng ngộ, hành giả không nên vướng mắc vào đó. Phải vượt thoát
trạng thái này để trí tuệ chân minh hoàn toàn hiển lộ.
Tăng Hội định nghĩa tâm là "không có hình, không có tiếng, không có
trước, không có sau, thâm diệu, vi tế, không có tóc tơ hình thức; Phạm
Thiên, Đế Thích và tiên thánh cũng không thấy rõ được; những hạt giống
của tâm khi thì ẩn khi thì hiện, cái này hóa sinh thành cái kia, người phàm
không thể thấy được; đó gọi là ấm." Chúng sanh phiêu trầm vì tâm ấy bị lôi
kéo theo lục tình và mười ba ức uế niệm. Lục tình gồm có nhãn, nhĩ, tỷ,
thiệt, thân, tâm (ý), gọi là nội tình; và sắc, thanh, hương, vị, tế hoạt (xúc) và
tà niệm (pháp) tức là ngoại tình. Những tà hạnh của lục tình nhiều như
nước muôn sông chảy về biển, bất tận, do đó phương pháp an ban thủ ý là
để đối phó lục tình và ngăn chận tà hạnh. Tăng Hội nói tiếp: "Người hành
giả đã chứng đắc được phép An Ban, thì tâm bừng sáng, dùng cái sáng ấy
để quán chiếu thì không gì tối tăm mà không thấy..." (tựa kinh An Ban Thủ
Ý).
Quan trọng nhất là đoạn Tăng Hội viết trong Lục Độ Tập Kinh về Thiền.
Ông nói về bốn trình tự của thiền (tứ thiền) như phương pháp để "chính
tâm, nhất ý, tập trung điều thiện duy trì trong tâm, ý thức những ý niệm dơ
bẩn để mà khử diệt":
"Phương Pháp Thực Hành Của Nhất Thiền là khử bỏ tham ái, ngũ yêu tà
sự, như khi mắt thấy sắc đẹp tâm sinh dâm cuống, khử bỏ những thanh,
hương, vị và xúc thường gây tai hại. Người có chí hành đạo ắt phải xa lánh