nàng công chúa tự tắm gội và lấy hương thơm ướp mình, mặc xiêm y mới.
Bồ tát khi đã đạt được tứ thiền thì các loại tà cấu không còn làm hư tệ tâm
mình... Đạt được tứ thiền thì muốn làm gì cũng được, phi hành nhẹ nhàng
trên không, đi dưới nước, phân tâm tán thể, biến hóa vạn cách, ra vào
không ngăn cách, tồn vong tự do, có cả mặt trời mặt trăng, động tới cả thiên
địa, đắc nhất thiết trí..."
Mở đầu bài tựa kinh An Ban Thủ Ý, Tăng Hội đã nói: "An Ban là đại thừa
của chư Phật để tế độ chúng sanh phiêu trầm..." Câu nói này đủ để chứng tỏ
khuynh hướng đại thừa hóa thiền học của Tăng Hội. Những chú giải của
Tăng Hội về kinh An Ban Thủ Ý tuy không còn, nhưng cách thức biên tập
Lục Độ Tập Kinh của Tăng Hội cũng cho ta thấy rõ ràng khuynh hướng ấy.
Ta không biết Tăng Hội đã học thiền học đại thừa với ai ở Giao Châu; sự
gặp gỡ giữa Tăng Hội với Trần Tuệ không thể làm phát khởi tinh thần đại
thừa đó, bởi vì cư sĩ Trần Tuệ cũng như thầy của ông là An Thế Cao đều
theo hệ thống thiền tiểu thừa. Ta biết Tăng Hội đã dịch Tiểu Phẩm Bát Nhã
(tức là Đạo Hành hay Bát Thiên Tụng Bát Nhã), kinh căn bản và xuất hiện
sớm nhất của đại thừa. Bản dịch này Khai Nguyên Thích Giáo Lục có nói
tới, tuy rằng trong khi viết tựa cho kinh Đạo Hành Bát Nhã, Đạo An, Chi
Tuần và Lương Võ Đế đều đã không nhắc tới. Ta có thể nói rằng vào thế kỷ
thứ hai tại Giao Chỉ thế nào cũng có mặt những vị tăng sĩ Ấn Độ đã mang
đạo Phật đại thừa tới cùng những bản kinh đại thừa căn bản như Bát Thiên
Tụng Bát Nhã. Trong kinh này các quan niệm không và chân như của đại
thừa đã được diễn tả một cách đầy đủ và chu đáo. Thiền học tại Việt Nam
do đó đã khởi nguyên bằng thiền đại thừa, không phải là thiền tiểu thừa như
ở trung tâm Lạc Dương vậy.
Chính vì ảnh hưởng sâu đậm của giáo lý không và chân như của đại thừa
mà Tăng Hội đã diễn tả về tâm như sau trong bài tựa kinh An Ban Thủ Ý,
"tâm không hình sắc, không có âm thanh, không có tiền hậu; tâm thâm sâu
vi tế không tóc tơ hình tướng, cho nên Phạm Thiên, Đế Thích và các tiên
thánh khác cũng không thể thấy được; kẻ phàm tục không thể thấy được sự