Chi Cương Lương Tiếp
Cùng trong thế kỷ thứ ba, có một vị tăng sĩ tên Chi Cương Lương Tiếp
(Kālasivi, dịch là Chính Vô Úy) đã dịch kinh Pháp Hoa Tam Muội
(Saddharmasamadhi-sūtra) ở Giao Châu vào năm 255 hay 256.
Chi Cương Lương Tiếp, có khi viết là Chi Cương Lương Lâu, là người
nước Nhục Chi. Vài bản mục lục còn nói tới một người tên là Cương
Lương Lâu Chi (dịch là Chân Hỷ) đã dịch nhiều kinh tại Giao Châu: Paul
Pelliot cho rằng hai người trên đây chỉ là một, và ông cho rằng tên Phạn
ngữ của người này là Kālaruci (Toung Pao 1923). Ông còn dẫn chứng Phi
Trường Phòng, rút trong Lịch Đại Tam Bảo Ký, rằng Chi Cương Lương
Tiếp cũng đã dịch kinh Thập Nhị Du. Sách Thiền Uyển Tập Anh chép tên
ông là Chi Cương Lương, chắc có lẽ là vì sự thiếu sót qua nhiều kỳ sao
chép hoặc ấn loát. Bản dịch kinh Pháp Hoa Tam Muội đã mất vào trước
năm 730. Kinh này cũng thuộc về loại thiền kinh đại thừa; chữ tam muội có
nghĩa là định. Kinh này nói đến một loại thiền định gọi là thiền định hoa
sen, trong ấy các quan niệm về pháp thân, huyễn hóa và không đã được đề
cập tới. Một bài kệ trong kinh ấy như sau:
"Trong pháp thân có tất cả các pháp
tất cả đều huyễn hóa biến hiện khi nổi khi chìm
các phiền não như dâm, nộ và si thực ra đều vô hình vô thể
cũng như các bọt bèo hiện trên mặt nước
nên quan sát thân ta và mọi hiện tượng
như an trú nơi tịch diệt vô hình
chúng được thành lập do sự hội hợp và ly tan
nếu phân biệt kỹ lưỡng, thì sẽ thấy rõ bản tính của chúng là không."
Như thế Chi Cương Lương Tiếp cũng thuộc hệ phái Phật giáo đại thừa và
cũng có khuynh hướng thiền học. Ngoài Tăng Hội và Chi Cương Lương