hóa sinh từ hình thức này sang hình thức khác của các chủng tử khi thì
minh hiển khi thì trầm mặc trong tâm. Đó gọi là "ấm" vậy, (Tâm vô hình vô
thanh, vô hậu tiền, thâm vi tế hảo, hình vô ty phát, phạm thích tiên thánh sở
bất năng chiếu; minh mặc chủng tử, thử hóa sinh hồ bỉ, phi phàm sở đổ, vị
chi ấm giả). Danh từ ấm ở đây có nghĩa là tích tụ, có thể là do dịch từ chữ
skandha mà cũng có thể đã được dịch từ chữ alaya. Theo chúng tôi, đây là
dịch từ chữ alaya (tạng thức) - bởi vì ở đây Tăng Hội đang đích thực nói về
tâm mà không nói về năm sự tổ hợp tích tụ gọi là ngũ ấm (hay ngũ uẩn).
Trong bài tựa của kinh Pháp Cảnh, Tăng Hội cũng nói về tâm như sau:
"Tâm là kho tàng căn bản của các pháp" (phù tâm giả, chúng pháp chi
nguyên tạng). Chữ tạng (kho tàng) ở đây làm cho ta chắc tin thêm ở điều
vừa nói. Như vậy là Tăng Hội đã chịu ảnh hưởng không những tư tưởng bát
nhã mà còn chịu ảnh hưởng tư tưởng duy thức nữa. Mà tư tưởng duy thức ở
thời này chưa được hệ thống hóa: chính kinh Lăng Già (Lankāvatāra) mà
Bồ Đề Đạt Ma trao cho Huệ Khả (vào khoảng đầu thế kỷ thứ sáu) cũng chỉ
mới xuất hiện vào thế kỷ thứ tư.
Ta biết rằng thiền đại thừa khác với thiền tiểu thừa ở chỗ thiền đại thừa xem
diệu tâm chân như là bản thể của giác ngộ. Tăng Hội đã thực sự khởi mở
cho thiền học đại thừa bằng cách nói tới tâm như uyên nguyên và chân như
của vạn pháp.