hồi đó chưa được phép xuất gia. Nhưng thầy đã có mấy người đệ tử cư sĩ
giúp thầy trong công việc dịch thuật. Cố nhiên là thầy An Thế Cao giỏi về
tiếng Phạn và thầy có thể trông cậy vào các đệ tử người Hán đứng về
phương diện Hán văn. Ba người trong số đó đã chạy giặc, xuống tỵ nạn ở
Giao Châu và đã được gặp thầy Tăng Hội. Người thứ nhất tên là Trần Tuệ,
gốc ở Hội Khể. Người thứ hai tên là Hàn Lâm, gốc Nam Dương. Người thứ
ba tên là Bì Nghiệp, gốc ở Dĩnh Xuyên. Khi xuống Giao Châu, họ có mang
theo một số bản dịch của thầy An Thế Cao, trong đó có bản dịch kinh An
Ban Thủ Ý. Thầy Tăng Hội gặp họ rất mừng. Thầy tổ chức một nhóm làm
việc để chú thích những kinh điển về thiền. Kinh An Ban Thủ Ý, theo lời
tựa của thầy Tăng Hội, là do cư sĩ Trần Tuệ chú giải và sau đó đã được thầy
Tăng Hội đọc lại, sửa chữa và thêm bớt. Trong bài tựa có câu: "Trần Tuệ
chú giải, dư trợ châm chước", nghĩa là cư sĩ Trần Tuệ lo việc chú giải, còn
tôi lo việc giúp đỡ thêm chỗ này, bớt chỗ kia, sửa chỗ nọ. Bài tựa kinh An
Ban Thủ Ý đã được dịch và in lại trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận,
kỳ in thứ tư của nhà xuất bản Văn Học Hà Nội. Chúng ta đọc: "Cư Sĩ Trần
Tuệ làm việc chú giải và thích nghĩa. Còn tôi thì giúp đỡ bằng cách gạn lọc,
thêm chỗ này, bớt chỗ kia." Trong Cao Tăng Truyện có một câu cho chúng
ta biết rằng thầy Thế Cao ở Lạc Dương cũng đã biết tới thầy Tăng Hội.
Trong những văn kiện mà thầy Thế Cao để lại có câu: "Người làm phát
triển đạo học của tôi là cư sĩ Trần Tuệ. Còn người truyền bá và giảng dạy
về kinh thiền là thầy tỳ kheo Tăng Hội." (Tôn ngô đạo giả, cư sĩ Trần Tuệ.
Truyền thiền kinh giả, tỳ kheo Tăng Hội). Câu đó chứng tỏ rằng hai người
mà thầy Thế Cao tin cậy nhất là cư sĩ Trần Tuệ và thiền sư Tăng Hội. Thầy
Thế Cao không có đệ tử xuất gia. Chúng ta hãy đọc tiếp: "Có vị bồ tát tên
là An Thanh, hiệu là Thế Cao, con đích của vua nước An Tức. Sau khi
nhường ngôi cho chú, ông đã lánh sang nước này. Sau khi chu du nhiều nơi,
ông về tới kinh sư." Chữ quan trọng nhất trong câu là chữ "kinh sư". Kinh
sư tức là kinh đô. Tại sao chữ "kinh sư" quan trọng? Tại vì chữ ấy chứng tỏ
rằng bài tựa này đã được viết trước khi nhà Hán sụp đổ. Chúng ta biết rằng
trước khi nhà Hán tan rã thì loạn lạc rất nhiều. Đó là lý do khiến cho nhiều
nhà trí thức ở bên Hán chạy về tỵ nạn ở Giao Châu. Giao Châu hồi đó là