đạo của mình. Đạt được thiền thứ hai thì các đam mê đã rời xa, không còn
có khả năng làm ô nhiễm ta được. Trong thiền thứ nhất thì thiện và ác còn
đối lập nhau, hành giả lấy thiện để tiêu diệt ác, ác lui thì thiện tiến tới; còn
ở thiền thứ hai thì tâm vui mừng ngưng lắng lại, hành giả không còn dùng
phương pháp lấy thiện diệt ác nữa, và vì vậy hai yếu tố vui mừng và thiện
đều tự không còn. Mười điều ác đã tiêu tán và chấm dứt, không còn điều
kiện nào giúp cho chúng có thể từ bên ngoài xâm nhập vào tâm mình nữa.
Cũng như trên đỉnh núi cao có một dòng suối, nước trong lòng suối không
phải từ những dòng bên ngoài chảy vào, cũng không phải do mưa của loài
rồng làm cho đầy, mà nước ấy chính từ lòng suối đi ra. Cũng như nước
trong của dòng suối làm đầy lòng suối, những thiện pháp của hành giả lưu
nhuận ra từ nội tâm của chính hành giả, và những ác pháp cũng không phải
từ các căn mắt, tai, mũi và lưỡi đi vào. Chế ngự được tâm như thế thì bắt
đầu hướng về thiền thứ ba.
Trong thiền thứ ba, hành giả duy trì chánh niệm của tâm ý một cách kiên
cố, cả hai ý niệm thiện và ác cũng không lung lạc được mình; tâm an ổn
như núi Tu Di, các điều thiện cũng không phải phát xuất từ bên ngoài; vì lý
do là cả thiện và ác đều đã không xâm nhập được. Tâm như cành rễ hoa sen
dưới đáy hồ, nụ hoa còn ngâm mình trong nước chưa chui lên khỏi mặt
nước. Trong thiền thứ ba, sự thanh tịnh cũng giống như hoa sen, các yếu tố
tiêu cực đã được trừ khử đi, thân và ý đều an ổn, điều phục tâm như thế để
hướng về thiền thứ tư.
Tới thiền thứ tư thì cả hai ý niệm thiện và ác đều đã hoàn toàn khử bỏ, tâm
không nhớ thiện cũng không giữ ác, nội tâm sáng trong như ngọc lưu ly,
như nàng công chúa tắm gội tự thân sạch sẽ, lấy hương thơm ướp mình,
xiêm y trong ngoài đều thay mới, tinh khiết thơm tho một vùng. Khi vị bồ
tát do tâm ý đoan chính đạt được thiền thứ tư ấy thì bè lũ tà ma cấu uế
không còn có cách gì che lấp được tâm ý của mình nữa.