Vương Lượng cắn môi dưới. Anh có thể nhận ra Văn sẽ không từ bỏ ý
định tìm chồng.
“Cô có trái tim thật bướng bỉnh,” anh nói. “Ngày có một chuyến tàu
quân sự đi Thành Đô. Cô có thể đáp tàu đến đó.”
Anh đưa cho cô một cuốn sách nhỏ trong đó có thông tin quân sự ở Tây
Tạng và phong tục Tây Tạng.
Văn nhận lấy đầy biết ơn.
“Cảm ơn chỉ huy. Tôi sẽ nghiên cứu thật kỹ trên đường đi và cố thích
nghi với những điều kiện ở đó.”
“Chiến tranh không cho cô thời gian nghiên cứu và cũng chẳng cho cô
cơ hội thích nghi đâu,” Vương Lượng nhận xét dứt khoát, khi anh đứng lên
đi vòng quanh bàn đến chỗ Văn. “Nó vạch ra các lằn ranh rõ ràng của tình
yêu và lòng thù hận giữa con người. Tôi chưa bao giờ hiểu các bác sĩ sẽ xử
lý thế nào khi phải lựa chọn giữa trách nhiệm nghề nghiệp và mệnh lệnh
quân đội. Bất kể chuyện gì xảy ra chăng nữa, hãy nhớ một điều: chỉ sống
được thôi cũng là chiến thắng rồi.”
Văn cảm thấy Vương Lượng đang cố doạ dẫm cô. Cô gật đầu tỏ vẻ kính
trọng, nhưng kỳ thực cô chẳng hiểu những điều anh muốn nói. Cô trao
chiếc túi lụa của chị gái cho Vương Lượng: bên trong cô đã viết tên của
Khả Quân, cha mẹ cùng chị gái và cả tên cô nữa. Cô nói với Vương Lượng
là cô hy vọng mọi người trong chiếc túi này sẽ được đoàn tụ ở Tô Châu. Để
đáp lại, Vương Lượng đưa cho Văn một cây bút và cuốn sổ nhật ký. “Viết
lách có thể là nguồn sức mạnh,” anh nói.
Văn ngồi với Vương Lượng chưa tới một tiếng đồng hồ, nhưng những
lời của anh in mãi trong tâm trí cô suốt cuộc đời.
Cái gọi là tàu vận tải quân sự hoá ra chẳng hơn gì tàu chở hàng hạng
sang: mỗi toa hành khách chứa gần một trăm người ngồi cực kỳ gò bó. Cửa
sổ bé tin hin, chỉ hai mươi xăng ti mét vuông, nên có rất ít ánh sáng. Văn
cùng với nữ hành khách duy nhất, một y tá, bị ép dúi dụi vào đám đàn ông.
Trước khi họ lên tàu, một người đã giới thiệu cô y tá với Văn, cô ta là người
Ôn Châu. Cô rất hay nói, nhưng không ai trên tàu, thậm chí cả Văn, có thể
hiểu được cô nói gì bởi cái giọng Triết Giang đặc sệt. Cứ bốn giờ tàu lại