“Phải, ở Tây Tạng thì vậy. Ở Tây Tạng mọi người vợ có thể có nhiều
chồng. Chị chưa bao giờ hỏi tôi chuyện đó thành thử tôi cứ nghĩ nghe bọn
trẻ xưng hô với hai người là chị tự suy ra được rồi.”
Zhuoma chuyển sào đánh bơ cho Ni đang đứng cạnh, cô bé như bị mê
hoặc khi nghe hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung Quốc, rồi
chị kéo Văn sang một bên.
“Tôi hiểu điều này thật khó chấp nhận đối với chị. Sống ở đây đối với
chị cũng như sống ở Bắc Kinh đối với tôi vậy. Giá như không đến Trung
Quốc thì chắc tới giờ tôi vẫn nghĩ cả thế giới đều sống trên một cao nguyên
đầy tuyết và núi non trập trùng.”
Giờ đây khi đã hiểu việc “ngoại tình” của Saierbao, Văn xấu hổ vì sự
dốt nát và hàm hồ của mình. Cô không nói với Zhuoma rằng những gì cô
thấy trong mấy đêm trước đã là nguyên nhân khiến cô đâm chán nản.
Văn thất vọng khi biết rằng Mê và các lạt ma bạn cậu không biết gì về
cuộc xung đột giữa người Trung Quốc với người Tây Tạng và không hề
thấy một người lính Trung Quốc nào. Ngay trước khi nhóm của Mê ra đi,
Văn hỏi Zhuoma liệu có thể thuyết phục cậu để lại hai mẩu đá màu nho nhỏ
không. Tối hôm đó, Văn dùng một trong hai mẩu đá để viết thư cho Khả
Quân ở mặt sau bức ảnh của anh:
Khả Quân thân yêu của em,
Anh có khỏe không? Em chỉ muốn viết một lời thôi. Xin lỗi. Xin lỗi anh
vì em vẫn chưa tìm được anh. Xin lỗi chính em, vì em không thể tự mình tìm
kiếm trên vùng cao nguyên này. Xin lỗi Zhuoma và gia đình Tây Tạng này,
vì em không có cách nào đền đáp cho họ được.
Màu của cây bút chì đã rất nhạt, nhưng mảnh đá khắc nét thật sâu nên
những lời của cô hằn rõ lên khuôn mặt tươi cười của Khả Quân. Cô nhớ
cuốn nhật ký và cây bút của Vương Lượng cho cô ở Trịnh Châu và bây giờ
bị chôn vùi cùng với ba lô của cô ở đâu đó nơi một ngọn đèo vắt qua núi.
“Viết có thể là nguồn sức mạnh,” Vương Lượng đã nói. Cô cảm thấy bức
thư ngắn gửi Khả Quân cho cô lòng can đảm tươi mới để đối mặt với những
khó khăn phía trước.