bà hàm ơn họ bao nhiêu. Họ không chỉ cứu bà thoát chết mà còn nhận bà
vào mái ấm gia đình đầy tình yêu thương của mình suốt bao năm qua. Thấy
những giọt lệ của Văn, Saierbao lặng lẽ nắm tay bà khẽ vuốt ve. Văn cảm
thấy cái thô ráp của làn da Saierbao. Bà đã già đi nhiều. Những quần áo sặc
sỡ của bà đã phai màu, nữ trang của bà xỉn đi, nhưng gương mặt bà vẫn
ngời sáng.
Buổi chia tay của họ thật trang trọng. Gela và Saierbao lặng lẽ quan sát
trong khi Ge’er chất đồ lên ngựa. Saierbao đã chuẩn bị những túi đựng đồ
ăn thức uống; có một cái lều, đệm ngủ, dây thừng và thuốc men.
Trong khi Hồng giữ dây cương cho Văn để bà lên ngựa, cậu thầm thì nói
riêng với Văn rằng ngay khi Ge’er trở về, cậu dự định sẽ vào một tu viện
như các ông anh Ma và mê. Cậu đã nghiền ngẫm những lời của Văn về Khả
Quân: cậu cho rằng cậu hiẻu tình yêu của bà là thế nào bởi vì, với cậu,
nhưng linh hồn cũng giống như mặt trời và mặt trăng vậy.
Giữa những lời tiễn biệt, Văn tháo chiếc vòng cổ bằng cacnelian mà
trước kia Zhuoma tặng bà rồi ấn vào tay Saierbao, cùng với bộ quân phục
cũ mà bà chưa bao giờ mặc lại. Hình ảnh gương mặt Ni tràn ngập tâm trí
Văn. Bà biết rằng dù có đi đâu, bà sẽ không bao giờ quên cô gái nhỏ chẳng
khác nào một chiếc chuông gió xinh đẹp ngày xưa, và cả tình yêu thương
thầm lặng của gia đình cô.
Trong khi lên kế hoạch cho chuyến đi, Bát đề nghị với Ge’er họ nên tìm
những thợ đẽo đá từng tạc những hòn đá mani trên các ngọn núi thiêng.
Những người đó thường tiếp đón đủ mọi hạng người muốn dâng cúng cho
thánh thần. Chắc hẳn họ sẽ có tin tức về bất cứ người Trung Quốc nào từng
đi qua đường đó trong mấy năm trở lại đây. Ge’er đồng ý rằng họ nên khởi
đầu như thế.
Trong nhiều tháng, mọi tìm kiếm của họ đều không đem lại kết quả. Họ
rong ruổi từ núi này qua núi nọ, nhưng không một thợ đẽo đá nào mà Ge’er
trò chuyện nhận ra được ảnh Khả Quân hoặc từng gặp người Trung Quốc
nào. Văn cũng chẳng thu lượm được mấy thông tin về chuyện điều gì đã
xảy ra với Quân Giải phóng Nhân dân ở vùng này của Tây Tạng. “Xung đột