Giờ tôi đã ngoài 30, đã quá lớn để có thể ngoan ngoãn cho kẻ nào đó
hoặc việc gì đó phun vị đắng vào từ sáng sớm đến tối mịt của một ngày đời.
Vậy mà DeWayne vẫn cứ hết lần này qua lần khác ló mặt vào đời tôi, mà
tôi chẳng thể làm gì nhiều để chống cự. Tôi đâu có thể cấm con trai tôi gặp
cha nó. Thế nhưng sự an bình tâm hồn của tôi lại là một chuyện hoàn toàn
khác và rõ ràng sự an bình này đang bị đe dọa khi tôi ngồi đối diện với ông
chồng cũ vào một buổi sáng sớm bên bình cà–phê.
– Anh rất yêu nó, Tamara. Anh yêu nó. Tại sao việc gì cũng thất bại?
Tại sao anh không được phép làm người hạnh phúc? Tại sao anh mất hết
những gì mà anh yêu? – Cả một đống câu hỏi của DeWayne dồn trút đồng
thời đủ hết với nhau thành một bài ca thương thân đẫm nước mắt bên tai
tôi.
Tôi im lặng quan sát anh ta một lúc. Trên 40 tuổi trông anh ta vẫn còn
điển trai như ngày nào ở tuổi 30 và chắc cũng không khác mấy anh chàng
Curtis ở tuổi 20, chỉ có điều bây giờ anh ta có thêm tiền và có phần láo hỗn
đi kèm với tiền. Nếu muốn, anh ta có thể dùng vẻ duyên dáng kia cưa đổ
bất kỳ người đàn bà đức hạnh nào và anh ta biết điều đó. Kể cả trong buổi
sáng ngày hôm nay, bất chấp nỗi thống khổ trông Curtis vẫn như vừa trèo
ra từ một tạp chí đàn ông sang trọng. Anh ta vẫn không quên mặc một chiếc
áo sơ mi lụa màu xám thẫm, cái áo vừa vặn như in và rất hợp với chiếc
quần màu than. Cổ tay lấp loé một chiếc đồng hồ vàng với vẻ tinh xảo đắt
tiền. Tôi nhìn ngang mặt anh ta qua khuôn cửa sổ bếp và nghĩ rằng cây hạt
dẻ trong sân hàng xóm đã rụng gần hết lá rồi và bụi tử đinh hương mà
Jamal trồng trước cửa nhà tôi chắc không sống nổi tới mùa xuân năm sau.
Thế rồi ánh mắt của tôi rơi xuống dưới, rơi xuống cái nắp xe đang óng ánh
trong làn mưa buổi sớm của DeWayne, một chiếc Lexus màu bạc mới tinh
khôi. Khi lại nhìn lên mặt anh ta, tôi nhận thấy những giọt lệ trong khóe
mắt. Tôi đã từng chứng kiến DeWayne Curtis trong rất nhiều cung bậc tình
cảm khác nhau, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy anh ta khóc.
– Anh muốn dùng cà–phê nữa không? – Tôi hỏi.