- Sao thế? - Kohler hỏi, với vẻ sốt ruột hơn là quan tâm.
- Không có gì, - Langdon trả lời, nặng nề bước vào thang máy chật hẹp. Anh chỉ
sử dụng thang máy khi nào thực sự cần thiết, dù sao thì cầu thang bình thường
vẫn thoáng đãng hơn nhiều.
- Phòng thí nghiệm của tiến sĩ Vetra nằm dưới tầng hầm. - Kohler nói.
Tuyệt vời, Langdon thầm nghĩ khi anh cảm nhận được luồng gió mát lạnh thổi
lên từ sâu dưới hầm. Cánh cửa đóng lại và thang máy bắt đầu đi xuống.
- Sáu tầng nhà, - Giọng nói của Kohler nghe lạnh lẽo như được phát ra từ một cỗ
máy.
Langdon hình dung ra bóng tối phủ đầy căn hầm trống phía dưới. Anh cố xua
đuổi ý nghĩ ấy đi bằng cách nhìn chăm chăm vào bảng chỉ dẫn trên thang máy.
Kỳ lạ thật, thang máy này chỉ hiển thị hai chặng đến là TẦNG HẦM VÀ LHC.
- LHC nghĩa là gì? - Langdon hỏi, cố không để cho giọng nói trở nên run rẩy.
- Máy gia tốc hạt Hadron, - Kohler nói - Một loại máy gia tốc hạt.
Máy gia tốc hạt? Langdon rất mơ hồ về khái niệm này. Lần đầu tiên anh nghe
đến nó khi đang ăn tối với mấy ông bạn đồng nghiệp ở Dunster House thuộc
Cambridge. Một người bạn, nhà vật lí Bob Brownell,, đã đến muộn, vẻ mặt đầy
tức giận.
- Lũ khốn đó bác bỏ rồi! - Brownell lầm bầm chửi rủa.
- Bác bỏ cái gì? - tất cả đồng thanh hỏi.
- Là cái gì?
- Máy va đập siêu dẫn lớn!
Ai đó nhún vai.
- Tôi không hề biết là Harward đang tiến hành lắp đặt một cỗ máy như thế.
- Không phải của Harvard! - Anh ta kêu lên. - Của nước Mỹ! Nó sẽ là máy gia
tốc hạt mạnh nhất trên thế giới! Một trong những dự án khoa học quan trọng
nhất thế kỷ! Chi phí lên tới 2 tỷ đô la, và Thượng nghị viện vừa bác bỏ. Những
kẻ vận động hành lang Công giáo bảo thủ đáng nguyền rủa!
Khi Brownell bình tĩnh trở lại, anh ta giải thích rằng máy gia tốc hạt là một ống
hình trụ cực lớn, trong đó các hạt nhỏ hơn nguyên tử được gia tăng tốc độ. Từ
trường bên trong ống sẽ liên tục tắt bật cực nhanh để quay các hạt cho đến khi
chúng đạt đến siêu vận tốc. Các hạt khi quay trong ống sẽ đạt vận tốc tối đa trên
288.000 km/s.