Bố mẹ Hiểu Phi đi Bắc Kinh, sau đó lại đi Quảng Châu, nhưng họ vẫn
không tìm được cậu ấy. Tinh thần của mẹ Hiểu Phỉ hoàn toàn sụp đổ, gần
như người điên; bố Hiểu Phỉ thành con sâu rượu, nhưng không còn sức lực
đánh ai nữa.
Sau khi xác nhận Hiểu Phỉ đã rời đi, hàng đêm tôi không thể ngủ yên, lúc
lại thấy hối hận, mình không nên cho cậu ấy tiền; lúc lại thấy hối hận, tại
sao mình không cho cậu ấy nhiều tiền hơn. Cứ ngủ là tôi lại mơ thấy ác
mộng, mơ thấy Hiểu Phỉ gặp kẻ xấu, mơ thấy cậu ấy không có cái gì ăn,
mơ thấy cậu ấy không có quần áo mặc.
Tôi không ăn được gì, ngủ không yên giấc, cơ thể và tinh thần của tôi
đều suy sụp.
Nhìn tôi ngày một gầy gò hơn, bố mẹ không trừng phạt được cũng không
trách móc được, chỉ có thể dặn dò em gái chơi với tôi nhiều hơn, thúc giục
tôi đến lớp học vẽ, hy vọng tôi có thể tán đi phần nào vướng bận với Hiểu
Phỉ.
Trong kỳ nghỉ đông, cấp Ba vẫn bình thường, Tiểu Ba bỏ dở bài vở đang
ôn tập, cố gắng dành thời gian ở bên tôi, giảng cho tôi các loại đạo lí. Anh
nói với tôi, cho dù không có tôi, Hiểu Phỉ cũng sẽ rời đi, tôi chẳng phải
người thúc đẩy cậu ấy rời đi. Anh phân tích cho tôi, Hiểu Phỉ rời đi không
nhất thiết là một chuyện xấu, cậu ấy rời khỏi nơi này, đi đến một nơi không
ai quen biết mình, có thể bắt đầu lại một lần nữa, chắc chắn cậu ấy sẽ lại
gặp được những niềm vui. Anh còn cầm băng đĩa phim truyền hình “Cô gái
ngoại lai” từng tạo cơn sốt mấy năm trước, tuy Hiểu Phỉ chỉ có trình độ văn
hóa trung học cơ sở, nhưng cậu ấy rất thông minh, sẽ không kém “cô gái
ngoại lai” Trần Tiểu Nghệ, nếu Trần Tiểu Nghệ có thể làm lại từ đầu, thì
Hiểu Phỉ cũng nhất định tìm được một công việc, tự chăm sóc tốt bản thân.
“Cô gái ngoại lai”: Phim truyền hình ăn khách vào năm 1991, do đài
truyền hình Quảng Châu, Trung Quốc sản xuất.