Khi Newland Archer mở cánh cửa phía cuối lô thì màn sân khấu vừa
được kéo lên ở phân cảnh khu vườn. Lý do gì khiến một người trẻ tuổi như
anh không đến sớm hơn? Anh đã ăn tối cùng mẹ và em gái vào lúc bảy giờ,
rồi nán lại hút một điếu xì gà trong thư viện kiểu Gothic với những giá sách
bằng gỗ hồ đào và những chiếc ghế trạm khảm, nơi duy nhất trong nhà mà
bà Archer cho phép hút thuốc. Thế nhưng, trước hết, New York là một
thành phố lớn và người ta hoàn toàn ý thức rằng ở những thành phố lớn,
việc đến rạp hát sớm là “không đúng kiểu”, mà cái gọi là “đúng kiểu” lại
chiếm một phần quan trọng trong thành phố của Newland Archer. Nó cũng
như nỗi sợ vật tổ
bí hiểm đã chi phối số phận của tổ tiên anh hàng nghìn
năm trước.
Lý do thứ hai dẫn đến sự chậm trễ của anh lại là một lý do cá nhân. Anh
đã lãng phí thời gian với điếu xì gà, vì từ tận đáy lòng anh là một người
ham mê nghệ thuật và việc suy nghĩ về một thú vui tiêu khiển sẽ đến với
mình khiến anh thoả mãn sâu sắc hơn so với việc phải thực hiện nó. Điều
này đặc biệt đúng trong trường hợp đó là một thú vui tinh tế, như hầu hết
những thú vui của anh. Trong dịp này, khoảnh khắc mà anh mong đợi đặc
biệt và hoàn hảo đến mức, nếu anh ước tính thời gian đến trùng khớp với
đạo diễn sân khấu dành cho người nữ danh ca thì có lẽ anh đã không thể
bước vào Hí viện tại một thời điểm nào ý nghĩa hơn lúc cô đang vừa hát
vừa bứt rơi những cánh hoa cúc với giọng điệu trong như sương: “Anh ấy
yêu mình - anh ấy không yêu mình - ANH ẤY YÊU MÌNH!”
Tất nhiên, cô hát “M’ama!”
mà không phải “anh ấy yêu mình”, vì một
luật lệ rõ ràng không thể thay đổi trong giới âm nhạc, yêu cầu những đoạn
tiếng Đức của các bản nhạc kịch Pháp, hát bởi những nghệ sĩ Thụy Điển,
phải được dịch sang tiếng Ý cho những thính giả nói tiếng Anh hiểu rõ hơn.
Điều này cũng tự nhiên đối với Newland Archer như những quy tắc mà
cuộc đời anh đã rập khuôn theo, chẳng hạn như việc phải dùng hai chiếc
bàn chải lưng bạc có khắc chữ lồng bằng men xanh để rẽ tóc, và không bao
giờ được xuất hiện trước đông người mà không có một bông hoa (thường là
hoa dành dành) trên khuyết áo.