Dì Tu vẫn xưng hô với em gái như từ thời hai chị em chơi ô ăn quan,
chơi nhảy dây với nhau. Dường như với họ, các đại từ nhân xưng bất biến
với thời gian.
- Vậy là mẹ tôi, anh Phát và hai đứa tôi hi sinh cả hạnh phúc riêng của
mình để chăm sóc các cháu thật không uổng công, chú à - Dì Tu nói tiếp -
Sau năm 1975 dì Mi mới thực sự mang hết vốn kiến thức để phụng sự xã
hội. Mi được làm việc ở Thư viện Tổng hợp thành phố, được mọi người
yêu mến, tin cậy. Tôi phân công: Vì tôi vẫn làm cho Đại sứ quán Pháp,
lương có khá hơn, tôi sẽ giúp Mi, giúp các cháu về kinh tế. Còn Mi cứ tập
trung cho công việc ở Thư viện. Quả nhiên dì ấy làm việc rất tốt, được tất
cả các độc giả, nhất là các nhà giáo, nhà nghiên cứu,nhà khoa học, yêu
mến. Chưa thấy ai “tham quyền cố vị” như dì Mai đâu chú ạ. Lẽ ra đến tuổi
về hưu từ hơn mười năm trước, vậy mà mãi đến năm 2000 vừa rồi mới chịu
nghỉ hưu đó…
Khác với dì Tu, ăn to nói lớn, dáng cao lớn như chị cả, dì Mi thấp đậm,
nhỏ nhẹ, dịu dàng. Dì Mi cười, nói chữa:
- Tôi phụ trách kho sách và tư liệu tiếng Pháp, suốt bao nhiêu năm đã
thuộc từng thư mục, từng loại tư liệu, ai cần, tìm ra ngay. Mình nghỉ hưu
sớm khi chưa có người thay thế, nghỉ không đành…
- Chú thấy không, Mi tôi quan trọng lắm đó - Dì Tu nói và cười lớn như
muốn chọc ghẹo cô em. Trái lại, dì Mi chỉ bẽn lẽn cười.
Nhìn hai người phụ nữ ngoại thất tuần, tôi có cảm giác dường như cả hai
dì đều chưa hề đánh mất tuổi thiếu nữ xa xưa của mình.