XUẤT KHẨU SỨC NGƯỜI GẬP GHỀNH
MUÔN NỖI
---
❊ ❖ ❊---
T
ôi biết Trịnh Vĩnh Hội từ đầu những năm 90 khi bức tường Berlin sụp
đổ, anh và hàng nghìn công nhân đi xuất khẩu lao động phải về nước. Hồi
đó, với kinh nghiệm năm năm làm đội trưởng lao động một nhà máy ở
Posđam, giỏi ngoại ngữ, lại có thâm niên tuổi Đảng từ năm 1966, Trịnh
Vĩnh Hội được Bộ Giao thông điều về làm Phó Giám đốc Trung tâm hợp
tác lao động quốc tế của INTECCCO (Công ty xuất nhập khẩu tư vấn đầu
tư Giao thông vận tải).
Bẵng đi hơn mười năm, cứ nghĩ anh Hội đang vi vu ở khoảng trời Tây
nào, thì tình cờ tôi gặp anh ở nhà một người bạn với gương mặt rầu rĩ như
người bị mất của. Trò chuyện một hồi, tôi mới “khui” được ở con người kín
đáo khiêm nhường này một bầu tâm sự đầy những trăn trở âu lo ở “tầm cỡ
quốc gia”.
- Ông phải cùng tháo gỡ với các doanh nghiệp làm xuất khẩu lao động
chúng mình … - Khi thấy đã tin tôi, anh Hội mới dè dặt đề nghị - Mình
nghĩ, các nhà báo phải hiểu rõ việc này. Phải rung một tiếng chuông báo
động về tình hình người lao động đi xuất khẩu của ta đang bỏ trốn ở nước
ngoài. Đây không chỉ là vấn đề tiền nong, hợp đồng giữa ta và bạn… mà là
kỷ cương phép nước, là quốc thể, màu cờ sắc áo trong khu vực và quốc tế.
- Làm gì đến mức nghiêm trọng thế? - Tôi cảnh giác - Chắc công ty anh
đang bị thua lỗ vì chủ lao động nước ngoài bắt đền…
Anh Hội lắc đầu:
- Về lý thuyết, có thể cho phép tỷ lệ bỏ trốn tới hai mươi phần trăm.
Công ty HITECO chúng tôi mới dưới bốn phần trăm. Nhưng liên tiếp mấy
ngày hôm nay tôi đều nhận được thông tin tu nghiệp sinh (thực chất là công
nhân lao động) của ta ở Nhật Bản đang rủ nhau bỏ trốn. Cụ thể là ngày