đội đóng quân ở huyện, có hai con, nhưng rồi tai hoạ ập đến chị ốm mấy
năm liền rồi mất.
Tôi bồn chồn như chính mình đang về thăm quê. Phải gặp người mẹ đã
sinh ra Vũ, nhìn thấy căn nhà mẹ ở, tôi mới yên lòng. Chao ơi, người mẹ
hiện lên từng ngày, từng trang trong quyển nhật ký của Vũ, đủ cho tôi hiểu,
anh yêu mẹ đến nhường nào. Không đợi mưa ngớt, tôi mượn áo mưa, rủ nữ
nhà văn Vũ Thảo Ngọc đến thăm mẹ Vũ.
Con đường dẫn ra cực bắc đảo, nơi có cánh rừng đặc chủng toàn một thứ
cây châm, đẹp lạ lùng. Kỳ lạ thay là thứ cây độc đáo chỉ có ở đảo Minh
Châu này. Cây châm mọc thành rừng phủ kín hơn chục héc ta chạy dài suốt
bãi biển. Đó là một loài cây lá dày, xanh đậm thân chắc như loài sú vẹt,
nhưng lại chỉ sống trên cát trắng. Người già nói, rừng châm có từ bao giờ
không ai biết. Người ta coi đây như loài cây quý hiếm, vì nó chắn gió, chắn
cát cho làng, cho bọn trẻ con bóng mát. Rừng châm nhìn xuống một bãi
tắm tuyệt vời. Khác với cát ở Quan Lạn màu vàng, cát ở Minh Châu cùng
loại với cát Vân Hải, trắng mịn như phấn.
Đã có bao lần Tình Vũ ra tắm ở bãi cát kia, đã nằm dưới rừng châm này?
Trong chương cuối tiểu thuyết ”Một tâm hồn”, Tình Vũ đã ghi lại cảnh anh
cùng người vợ chưa cưới đi dạo ngoài biển. Hẳn là rừng châm và bãi biển
này đây. Đó là ký ức tuổi thơ, chốn thần tiên mơ mộng, nơi gửi gắm gieo
cấy mối tình đầu.
Căn nhà của mẹ Vũ nằm giữa một vườn cây trống trải. Một lối mòn từ
đường xuyên đảo băng qua một vạt ruộng dẫn vào gốc mít đầu nhà rồi dẫn
tới cái sân gạch xanh rêu.
Mẹ Vũ ngồi kia. Chao ôi, sao giống mẹ tôi quá chừng. Cũng ngoại bát
tuần, cũng tóc trắng màu khói sương, gương mặt hao gầy móm mém và đôi
mắt nhoè mờ, nhân hậu.
- Mẹ, con là bạn của Tình Vũ - Tôi nói và cầm tay mẹ.
- Bạn Vũ à? Sao bây giờ mới về? - Mẹ nhìn tôi như lục tìm trong trí nhớ,
lục tìm trong cả cái quá khứ xa xăm và mờ nhạt.