- Thức dậy không thấy ông, mình hoảng quá! Uống đi cho mát rồi đi với
tớ. - Anh Mão dúi vào tay tôi chai bia Hạ Long.
- Đi đâu, anh?
- Có thích đến miếu Bà Hang không?
- Bà Hang nào? Sao lại đến vào giờ này? - Tôi tu hết chai bia, nhìn Mão
đầy nghi hoặc.
Chúng tôi đi qua khu hồ anh Mão đang đào để trữ nước cho du lịch, đi
men theo chân ngọn núi đá và dừng lại trước một hàng đá đầy mùi khói
hương. Theo ánh đèn pin của Mão, chúng tôi vào trong miếu. ánh mắt tôi
vừa chạm tới chiếc bàn thờ, nơi vẫn còn những chân hương cháy dở, tôi
bỗng lạnh toát người, chân tay bủn rủn. Trước mắt tôi là ngổn ngang những
chiếc dương vật người.
- Đừng sợ. Đây là những sinh thực khí làm bằng gỗ và rễ cây sơn màu.
Đồ cúng lễ Bà Hang của dân đánh cá đó.
Tôi tròn mắt kinh ngạc rồi dần hiểu ra câu chuyện đầy mầu sắc tín
ngưỡng. Tương truyền, ngày xưa có một người đàn bà chửa bỗng từ đâu dạt
vào đảo. Dân đảo đem chôn cất và lập bàn thờ trong hang, gọi là miếu Bà
Hang. Ngôi miếu càng ngày càng linh thiêng. Các ngư phủ quanh các đảo
mỗi lần đi biển thường mang sinh thực khí đến cúng. Điều đặc biệt là thời
gian lễ thường diễn ra về đêm, trước lúc tảng sáng. Người đến lễ, sau khi
dâng lễ vật, liền cởi hết quần áo, vừa khấn, vừa cầm dương vật của mình
mà tâng lên, văng ra xa. Càng múa lâu, dương vật càng sung mãn thì những
mẻ lưới hôm sau càng nhiều cá. Tục này, cho đến bây giờ vẫn còn. Bằng
chứng là đêm nào trên bàn thờ Bà Hang cũng có dăm bẩy bộ sinh thực khí.
Tôi chợt liên tưởng đến những ngọn tháp Chàm ở miền Trung và tục thờ
linga của người Chăm. Vì sao có sự giống nhau về tín ngưỡng giữa những
ngôi tháp kỳ vĩ miền Trung va miếu Bà Hang này? Phải chăng vào thời Lý,
Trần, những tù binh Chiêm Thành được chuyển thành các nô lệ phân cho
các quý tộc và những nô lệ người Chiêm đã ra đây, mang theo nghề đánh
cá, tín ngưỡng thờ lin-ga và nét văn hoá độc đáo của mình?