cổ kính mà uy nghi, hoành tráng mà tao nhã, có dáng dấp như đình Trà Cổ,
Móng Cái, như đình làng Đình Bảng, quê hương các vua triều Lý.
Theo anh Phạm Văn Duyệt, người chuyên sưu tầm, nghiên cứu dân gian
cho biết, đình làng Quan Lạn ngày xưa vốn xây cất trên khu đất cảng Cái
Làng bên kia sông Mang. Sau ngày thương cảng bị cát lấp, các cụ già trong
làng đã cho dời đình về đây. Đình Quan Lạn thờ vua Lý Anh Tông và thành
hoàng là ba anh em họ Phạm, những bộ tướng của Trần Khánh Dư: Phạm
Công Chính, Phạm Thuần Dụng và Phạm Quý Công. Trong trận thuỷ chiến
với quân nguyên Mông trên “sông Mang” ba tướng quân bộ Phạm tử trận,
xác được dân làng chôn trên núi và lập làm thành hoàng. Ngày 16 tháng 6
hàng năm là ngày giỗ trận, cũng là ngày hội làng. Đây là dịp tái hiện lại
những trận đánh quân Nguyên Mông thưở trước để ghi nhớ công ơn tiền
nhân và giáo dục, nhắc nhở các thế hệ mai hậu.
Anh Phạm Văn Duyệt kể:
- Lạ lắm. Các ngài rất linh thiêng. Tôi làm trưởng ban lễ hội mười lăm
năm liền và nghiệm ra rằng, các bậc tiền nhân từ mây trăm năm trước vẫn
luôn sống bên ta. Lễ hội đình Quan Lạn bắt đầu từ ngày 10 tháng 6, ngày
treo cờ khoá làng, báo hiệu có quân xâm lăng vào biên ải. Từ ngày này, nội
bất xuất, ngoại bất nhập, trai đinh không ai được đi khỏi làng. Từ ngày 11
đến 15, làng phân chia thành hai giáp: Đông Nam văn, Đoài Bắc võ, các
giáp tự luyện quân trên những con tàu lớn năm sáu tấn. Ngày 16, hai bên
quân tướng tập trung ra đình rước thần từ nghè Trần Khánh Dư về đình,
giao tượng bài cho tướng quân Phạm Công Chính. Ngày 18, hai bên quân
xanh quân đỏ lĩnh giáo mác xuất quân. Lễ diễu hành được cử ba lần trên
đất, ba lần dưới biển trước miếu Đức Ông để mô tả ba lần thắng quân
Nguyên Mông. Kỳ lạ nhất, là từ lúc treo cờ khoá làng đến khi diễu hành,
giao chiến, quân hai bên nhìn nhau như thù hằn, dù là anh em ruột thịt
trong nhà nhưng thuộc hai giáp khác nhau. Năm kia, khi tôi tuyên bố hai
bên hoà, lập tức thằng em tôi ở thuyền phía bên kia rút đại đao đánh tôi.
Chuyến ấy nếu tôi không đỡ kịp, có khi tôi mất mạng.