cũng tím hồng những bông súng Nam Bộ, thứ hoa súng mà nhà thơ Chế
Lan Viên sinh thời đã bao lần thốt lên câu hỏi ngỡ ngàng: “Hoa súng hồng,
hoa súng hồng, mày có phải hoa không?”
Giữa phố phường Hà Nội thời mở cửa, chen chúc xe cộ, đinh tai nhức óc
bởi tiếng ồn, phải những ai sành điệu về văn hoá Phương Đông mới biết
cách tự thưởng cho mình một giờ thả bộ, du hành trong biệt khu danh thắng
Văn Miếu. Và thật lạ, tôi tưởng chỉ có mình phát hiện ra điều này, ngờ đâu
khách Tây âu, khách Đài Loan, Hàn Quốc, khách Mỹ, Canada, Australia và
Việt Kiều ta cũng hết sức thính nhạy trong thú ăn chơi. Du khách đến từng
đoàn, từng tốp. Ngơ ngác và trầm mặc. Ngó nghiên và quay, chụp. Chiêm
ngưỡng và kính phục… Thoạt đầu họ có vẻ như ngờ ngợ, có vẻ như không
tin khu Văn Miếu này, trường Đại học đầu tiên của Việt Nam này lại có từ
năm 1070, ngay sau nửa thế kỷ vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng
Long (1010). Họ ngờ ngợ nhìn khu nhà bia mới dựng vài ba năm, cả cái
màu sơn chói đỏ của các cột lớn, cả cái màu ngói còn chưa đủ rêu phong
của Điện Thánh và các nhà tả, hữu vu, càng tạo thêm mối nghi ngờ về một
sự phục chế, giả cổ. Nhưng rồi những hàng bia tiến sĩ trên lưng những cụ
rùa gần nghìn tuổi đã làm tất cả đều ngỡ ngàng, kính phục. Nền văn hiến
rành rành bia đá, khiến bất cứ du khách Ta hay Tây hay Tàu khi đã chạm
tay, chạm mắt vào mỗi tấm bia cổ, đều cảm thấy đâu đây, hình như trên gác
Khuê Văn kia, đang vang lên lời hịch trầm hùng của Ức Trai tiên sinh:
“Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn sinh nền văn hiến đã lâu…”.
Cho nên tôi, một đứa con của làng Động Phí vô danh, bỗng như reo lên,
nổi hết da gà khi mắt mình bỗng chạm vào những dòng chữ ở tấm bia thứ
ba, hàng đầu phía hữu. Tên làng tôi kia. Cái làng Động Phí tưởng như vô
danh kia, nào ngờ hơn 200 năm trước đã được khắc tên trên một trong số
82 tấm bia tiến sĩ được dựng ở Văn Miếu Hà Nội từ năm 1442 đến năm
1779. Đó là tấm bia ghi khoa thi tiến sĩ năm Bính Tuất (1766) niên hiệu
Cảnh Hưng năm thứ 27. Khoá thi này lấy đỗ 11 người. Hàng đệ nhị giáp
tiến sĩ xuất thân (đỗ đầu khóa) có một người: Tiến sĩ Ngô Thì Sỹ, dòng dõi
Ngô Gia Văn Phái kiệt xuất ở Tả Thanh Oai, cha đẻ của nhà văn hoá lớn,