nhà chính trị tài ba Ngô Thì Nhậm. Hàng thứ hai: Đệ giáp đồng tiến sĩ xuất
thân có mười người. Sau Lý Trần Quán, xã Vân Canh, Từ Liêm đứng đầu
bảng là ông tiến sĩ quê tôi: “Đặng Dụng Chu, xã Động Phí, huyện Sơn
Minh”. Chà, ghê quá. Vinh hạnh quá. Bảng vàng bia đá thế này thì không
còn ngờ vực gì nữa rồi. Động Phí, tên làng tôi bây giờ, xưa là tên chung
cho cả xã. Và huyện Sơn Minh chính là phủ ứng Thiên ngày xưa và huyện
ứng Hoà bây giờ.
Sự kiện phát hiện ra ông tiến sĩ họ Đặng ở bia Văn Miếu đã giúp tôi hiểu
thêm lịch sử vùng đất quê mình. Thì ra, tiến sĩ Đặng Dụng Chu chính là
người thôn Nguyễn Xá, kề sát với thôn tôi. Và cái vạt đất cao, ngay rìa
đường cái, sau nhà tôi, rộng và vuông vức chừng 10 héc ta mà ngày xưa
bọn trẻ chăn trâu chúng tôi vẫn gọi là Dinh, chính là dinh ông Nghè họ
Đặng. Hơn hai trăm năm biến cải, chính các hậu duệ của tiến sĩ Đặng Dụng
Chu bây giờ cũng không hề hay biết gì về một ông Nghè từng làm rạng
danh cho dòng họ mình. May thay những tấm bia Văn Miếu đã lưu giữ lại
tên tuổi một vị tiến sĩ quê tôi. May thay những người bảo vệ và tôn tạo Văn
Miếu hôm nay đã kịp thời cho dịch ra chữ quốc ngữ và khắc đá các văn bia
kia, để những kẻ hậu sinh mù chữ nho như tôi được biết có một dòng tên
của làng Động Phí mình được khắc chìm trong bia đá dựng trên mình rùa
nghìn tuổi.
*
Tôi mang câu chuyện thú vị về làng quê tâm sự với nhà văn Nguyễn
Quang Lộc, ông thủ từ của Miếu Văn Hà Nội, có cái tên thời nay là Phó
giám đốc Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám.
- Ba năm mới trở lại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Quả là có nhiều thay
đổi. Xin anh cho biết những đổi thay lớn nhất? - Tôi hỏi nhà văn Nguyễn
Quang Lộc.
- Nói thật chính xác, không phải chúng tôi làm thay đổi, mà là phục hồi
những công trình kiến trúc đã mất và tôn tạo những công trình bị hư hỏng
như trước kia đã từng có trong lịch sử. Có một số việc làm được đánh giá
có hiệu quả: làm nhà che bia tiến sĩ, sửa lại đường đi, thảm cỏ, tường cổ