chất chính khách, lại là người đảng viên Cam Lộ nằm hầm từ năm 19 tuổi,
năm 1967, 21 tuổi đã chủ tịch xã, 23 tuổi bí thư huyện uỷ, tỉnh uỷ viên. Chỉ
trong khoảng tám năm, từ 1965 đến năm giải phóng Quảng Trị (1972),
Nguyễn Minh Kỳ đã tham gia đánh 600 trận, diệt 105 tên Mỹ...
Gặp bất cứ một gia đình Quảng Trị nào cũng phát hiện ra một huyền
thoại. Ngay như ông chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Lương, 42 tuổi, đẹp trai,
nho nhã đi cạnh tôi đây, tưởng cuộc đời chỉ suôn sẻ giản đơn với mấy việc
hành chính của xã và mấy chục mẫu tiêu của nhà, nào ngờ cuộc đời cũng
bao biến cố, chìm nổi. Năm 1969 hai người anh trai của Lương đã hy sinh
anh dũng khi đang chiến đấu trên quê hương Cam Lộ. Là con trai duy nhất
còn lại, năm 1980 Lương lại xung phong đi bộ đội, chiến đấu bốn năm liền
ở chốt biên giới...
- Chúng ta sẽ đến thăm một nhân chứng còn lại của hai cuộc chiến tranh
- Nguyễn Ngọc Lương nói.
Chúng tôi theo chủ tịch xã Cam Chính đi trong thoang thoảng hương
thơm cay của mùi hồ tiêu trong vườn, vượt qua một lối ngõ hun hút hai bờ
tre. Tôi bỗng sững sờ khi ánh lửa của ai đó vụt loé lên soi rõ hai hàng cây
xén tỉa thẳng tắp như hai bức tường rào, hai hàng cau như đội tiêu binh dẫn
vào ngôi nhà lợp ngói ba gian xinh xắn. Nó gợi ta nhớ đến một làng cổ ở
Bắc Bộ, một nhà vườn ở Cố đô Huế. Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Công
Phán giới thiệu:
- Nhà của ba mẹ con tôi đó. Ông bà già nghỉ hưu đã hai chục năm, giờ là
hậu phương của tụi tôi. Căn nhà này ông xây bằng tiền bán tiêu. Mỗi năm
riêng thu hoạch tiêu cũng được hơn chục triệu. Tiền ấy ông bà già không
tiêu đến, dành cho các cháu đi học...
Lại một bất ngờ khi tôi phát hiện ra ông già Nguyễn Công Đàm, bố
Phán, người đảng viên Cam Lộ duy nhất trong lứa đảng viên trước năm
1954 còn lại. 75 tuổi, bao năm nằm hầm, ở rừng, kề bên cái chết, vậy mà
trông ông già vẫn săn chắc, tráng kiện như một lão nông không hề biết đến
mùi bom đạn.