- Tui phấn đấu làm thương binh, liệt sĩ suốt bao nhiêu năm mà vẫn không
được mô - Cụ Nguyễn Công Đàm vuốt chòm râu bạc cười hà hà, nói vui
khi chúng tôi không ngớt lời khen ông đẹp lão. Rồi bằng một giọng chậm
rãi, đều đều, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình:
- Năm 1954, tui 21 tuổi, làm văn thư cho tỉnh uỷ Quảng Trị trên Ba
Lòng. Ngày ấy, trước khi phân giới tuyến sông Bến Hải, xã tui có tới 309
đảng viên. Sau, một số hoang mang vượt tuyến ra Bắc. Số còn lại bị giặc
lùng sục, bắn giết dã man. Cho tới năm 1959, cả xã Cam Lộc tui chỉ còn sót
lại 2 đảng viên, là tui và đồng chí Thái Tẩu... Bọn tui đứt liên lạc với tỉnh,
phải vào cứ, ăn củ mài, chuối rừng hàng tháng trời... Trước đó, năm 1958,
khi thằng Phán mới 2 tuổi, con Phương lên 5, tỉnh thấy tỉnh hình căng
thẳng, quyết định đưa ba mẹ con ra Vĩnh Linh. Bà nhà tui và hai con phải
ngược lên Lao Bảo - Hướng Hoá, đi bộ hai tháng ròng mới ra tới Hồ Xá.
Năm sau, tui được tỉnh điều ra học Nghị quyết 15. Vợ chồng tui gặp nhau.
Sau đận ấy, bà nhà tui sinh thằng Nguyễn Công Bắc. Đặt tên Bắc để ghi
nhớ lần ra Bắc duy nhất ấy các chú ạ.
- Suốt từ năm 1958, gia đình tôi 5 người, 4 nơi. - Anh Phán tiếp lời cha -
Tôi được gửi ra học trường Miền Nam. Chị Phương tôi được sang Nam
Ninh, Trung Quốc. Mẹ tôi cùng em Bắc ở Vĩnh Linh, sau chuyển ra Phú
Thọ. Cha tôi thì nằm vùng tại Quảng Trị. Năm 1973, sau ngày Đông Hà
giải phóng, tôi về tìm ba ở tỉnh uỷ Quảng Trị. Mẹ tôi chỉ ba tôi nói: “Ba mi
đó”. Tôi sững sờ, ngỡ ngàng hồi lâu rồi mới ôm chầm lấy ông.
Mới đó mà đã 30 năm. Những nhân vật của câu chuyện còn hiện diện
trước mắt tôi mà nghe cứ xa lắc như huyền thoại.
- Thôi, để các chú uống chén ruợu với ba mi đã. Bà mẹ Phán, người mẹ
vượt tuyến năm 1958, để rồi xa chồng đằng đẵng 13 năm, xa hai đứa con
đầu 10 năm, giờ tóc đã bạc trắng, nhưng vẫn còn giữ được những nét đẹp
phúc hậu thời trẻ, từ nãy vẫn lúi húi dưới bếp, giờ đột ngột bưng lên một
mâm rượu, khiến chúng tôi hoàn toàn bất ngờ.
- Dạ thưa hai bác, chúng cháu đã có hẹn ngoài Quảng Trị...