Đàm phán mất – được
Dạng thứ hai là “đàm phán mất – được”, phương thức này trái
ngược với phương thức đầu tiên. Bên B có được những gì anh ta
muốn, còn bên A thua cuộc. Nhu cầu của bên B được thỏa mãn, còn
bên A thì không. Phương pháp này được sử dụng khi hai bên xem
nhau là kẻ thù và phải đánh bại đối phương bằng mọi giá.
Đàm phán cùng bại
Phương pháp thứ ba là “đàm phán cùng bại”. Trong trường hợp
này, hai bên ký kết một thỏa thuận mà không ai hài lòng, bởi không
bên nào nhận được những gì mà họ mong đợi. Đây là phương thức
thường đi kèm với sự phản đối, thù địch và tranh cãi.
Ví dụ, chồng đi làm về nói với vợ: “Tối nay, đi ăn tiệm em nhé!
Em muốn ăn ở đâu?”
Cô vợ muốn ăn hải sản. Nhưng anh chồng lại than đã ngán hải
sản đến tận cổ rồi và thích món Ý hơn. Cô vợ kêu ca dạo gần đây
đã ăn quá nhiều món Ý và chẳng thấy hứng thú gì. Để giữ hòa khí,
cuối cùng họ đồng ý đi ăn món Tàu – lựa chọn mà cả hai đều
không mong muốn lắm, nhưng có vẻ đây là thỏa hiệp duy nhất
giúp giải quyết được vấn đề.
Đây là kiểu đàm phán “cùng bại”. Người vợ không có được những
gì mình muốn và người chồng cũng vậy. Tuy nhiên, họ chấp nhận
kết quả thương lượng, vì ít nhất họ cũng nhận được một cái gì đó,
hơn là không gì cả.