Một bảng khác ghi: “Đây là khu vực Nongpua. Hồi trước, ở đây có một hồ
chứa nước tên là Nong Wai. Đây là một khu vực phồn vinh của Chiang Mai
ngày xưa”.
Đi thêm một đoạn nữa là đến cổng thành mang tên Chang Phuak. Đoạn
tường thành cạnh đó không còn nguyên vẹn và cũng chưa được phục chế.
Cả khu thành cổ giờ nằm gọn trong lòng thành phố Chiang Mai. Quanh đấy
là nhà dân.
Lại thấy một ngôi chùa khác: Quankama. Vẫn là hình ảnh quen thuộc của
rắn thần Naga, những cánh cửa gỗ chạm khắc, tượng Phật và các tòa tháp
sơn vàng.
Ngay ở cổng chùa là một tiệm “Thai traditional massage” (đấm bóp kiểu
Thái truyền thống), ghi giá mỗi giờ 120 baht (đấm bóp chân hay toàn thân
đều một giá). Thêm một nét lạ của Thái Lan: một số chùa có tổ chức hoạt
động đấm bóp, thư giãn.
Quán món ăn Việt
Qua khỏi chùa, vô tình tôi nhìn thấy tấm bảng “Vietnamese Food” chỉ vào
một con hẻm. Đi vào thì thấy một quán ăn ghi “Phở Gà” - đúng tiếng Việt và
cả “Vietnamese Food”. Đang là buổi sáng, quán chưa đón khách, chủ cùng
nhân viên đang chuẩn bị món ăn bán buổi trưa, ông chủ quán không biết
tiếng Việt và chỉ biết chào hỏi xã giao bằng tiếng Anh.
Thực đơn của quán cũng bằng tiếng Thái - nhưng kèm hình các món ăn,
gồm xà lách trộn, mì xào, chả giò, cá chiên, cơm chiên cua, chiên tôm, chiên
thịt heo... Giá cả thì khá bình dân, chỉ từ 25 baht đến 140 baht. Tuy nhiên,
tên quán là “Phở Gà” mà chỉ thấy toàn các món chiên xào.
Rời quán ăn và con hẻm, lại qua một đoạn tường thành đổ nát. Rồi đi tiếp đi
tiếp, đến hết khu thành cổ. Thành cổ Chiang Mai không còn nguyên vẹn
nhưng là một điểm nhấn, tô điểm thêm nét cổ kính cho thành phố này.