cùng chăm chú nhìn theo chiếc máy bay kiểu rất lạ, đang mất hút giữa
những mỏm núi nhọn hoắt. Đúng là nó có để lại một cái đuôi khói nhỏ trên
đường bay, nhưng cháy thì không phải. Và, bộ ba ấy trở lại với nỗi tiếc rẻ
về loạt đạn không được chắc tay cho lắm của mình, thậm chí, họ còn cho
rằng cơ hội may mắn cuối cùng của họ đã trôi qua. Vì, trong lịch đã ghi rõ:
chỉ còn hai ngày nữa là họ phải xuống núi.
Nhưng thật trớ trêu!
Họ đã phải xuống núi ngay chiều tối hôm đó. Người ra lệnh cho họ vẫn
là thủ trưởng Đức. Cả ba anh chàng giao súng lại cho những người lên thay,
lầm lũi kéo nhau về động Chân Linh. Họ đoán rằng, đây là một hình thức
kỷ luật vì họ đã bỏ lỡ mất thời cơ rất thuận lợi để hạ máy bay địch. Cho
nên, khi trông thấy thủ trưởng Đức đứng ở cửa động, họ ngượng nghịu
không dám nhìn thẳng vào thủ trưởng của mình nữa. Nhưng thật bất ngờ,
vừa trông thấy họ, thủ trưởng Đức đã chạy lại dang tay ôm chặt lấy từng
người. Thì ra họ đã bắn rơi máy bay thật.
Mà lại không phải là một chiếc máy bay như những chiếc máy bay khác.
Đây là một loại máy bay đặc biệt, có trang bị hệ thống chống ra-đa và
những máy móc trinh sát rất hiện đại khác. Nó lại có những hai chỗ ngồi,
và điều quan trọng không ai có thể ngờ tới là nó lại chở một nhân vật vào
loại «kễnh» của nước Mỹ (cũng cần phải mở một cái ngoặc ở đây để nói
thêm rằng chính đài BBC và nhiều hãng thông tấn khác của các nước
phương Tây đã từng làm rầm rĩ lên một dạo về chuyện này). Chiếc máy bay
đó đã bị hạ trong khi nó đang thực hiện một phi vụ trinh sát đặc biệt do
chính tổng thống Mỹ ra lệnh. Để tránh các hỏa lực tầm cao của ta, nó đã lợi
dụng ưu thế về trang bị, mở một đường bay táo bạo cực thấp ngang qua khu
vực Cô-Tan, nơi mà tổng thống Mỹ buộc nó phải tiến hành quan sát tại chỗ.
Quả nhiên là nó đã tránh thoát lưới lửa phòng không của bộ đội ta, nhưng
vô phúc cho nó lại vớ phải tổ trực chiến của mấy anh con trai Hà Nội. Suốt
dọc đường bay của nó chiều hôm ấy, cả mặt trận không có khẩu đội nào
điểm xạ, nên công tích của mấy anh trực chiến trên đỉnh Chân Linh không