- Em thương chị lắm!
- Sao thương?
- Đến bao giờ chị mới lại gặp lại anh Kha?
Lại một câu hỏi nữa vô tình gieo vào lòng Thảo như một xoáy nước đục
ngầu. Cho đến nay. Thảo vẫn còn nhớ rõ như chuyện mới hôm qua, sau cái
câu hỏi đó của Tuyền, Thảo đã im lặng cho đến khi con tàu dừng ở ga cuối
cùng...
*
Biết trả lời câu hỏi của Tuyền như thế nào lúc ấy và ngay cả bây giờ?
Lúc ấy, cái khó khăn là ở sự cách trở xa xôi về đường đi lối lại, nhưng cái
khó bây giờ lại là ở chỗ «một giọt nước, chia đôi đã thành hai giọt nước».
Thảo không thể ngờ lòng người lại có thể chóng thay đổi được đến thế.
Thoạt đầu, Thảo còn cố giận dỗi để bắt Kha phải gửi thư trước (bằng cách
để bạn bè Thảo viết thư mách Kha, là Thảo đang giận Kha nên không viết
thư). Nhưng cái cách đó không mang lại cho Thảo một điều an ủi nào: Kha
đã viết thư cho bạn Thảo tuyên bố là Kha sẽ chỉ viết thư khi nào nhận được
thư của Thảo. Điều đó làm tổn thương đến lòng tự trọng của Thảo, nhưng
do sự khuyên nhủ thúc ép của bạn bè, nhất là của những chị lớn tuổi, Thảo
đã gửi cho Kha một lá thư, lẽ tất nhiên trong đó chứa đầy những điều hờn
giận, nhưng Thảo đã cố tình viết lá thư ấy đúng vào buổi chợ hoa ngày tết,
cái ngày mà hai năm về trước, Kha và Thảo đã gặp nhau. Thư gửi đi mùa
xuân nhưng mãi đến mùa thu Thảo mới nhận được lá thư gửi lại. Cái
khoảng cách thời gian ấy, thông thường cũng đủ là bằng chứng về sự phai
nhạt. Nhưng khi bóc lá thư, Thảo vẫn cố tự an ủi mình rằng: địch đang
đánh phá Hà Nội, thôi máu nào chẳng chảy về tim. Và Thảo hình dung
ngay những dòng đầu tiên, Kha sẽ phải viện đến đủ mọi thứ tình hình căng
thẳng của thủ đô để chống chế về cái «tội» trả lời thư quá chậm. Khi đó,
Thảo sẽ mỉm cười với một câu trách thầm quen thuộc: em biết thừa đi rồi,
anh là anh ghê lắm! Những cuộc cãi cọ ngầm như vậy xưa nay vẫn chả
mang lại cho cuộc sống bao nhiêu niềm vui đó sao! Nhưng Thảo đã hoàn