nắm được kỹ thuật đấu kiếm cũng như khả năng sử dụng từ mà em gọi là
‘chốn yên bình ấy’, và chị gọi là hạt chủ yếu. Đó là điều mà tất cả các bậc
thầy về cung hay kiếm vẫn dạy…
- Cả chơi cờ và nấu ăn nữa! - Jad cười bổ sung thêm.
- Hoàn toàn đúng! Ở Tử Địa, nơi chị học bắn cung, thầy dạy đã chỉ cho
bọn chị chế tạo cung cho mình. Bắt đầu từ việc chọn cây sống. Chỉ riêng
bước này cũng mất nhiều tháng trời đấy! Em có biết là chỉ có một trên bốn
trăm cây thông đỏ cho ra đời một cây cung tốt không?
- Thế cây bất tử thì sao?
Jad vẫn còn nhớ chiếc cung tuyệt vời của người thợ thủ công ở hội chợ Ba
Thung Lũng.
- Còn hiếm có hơn nữa! Đúng đấy, cây bất tử luôn luôn cho những chiếc
cung đặc biệt, nhưng vì chúng không thể bị chặt hạ, nên những cung bằng gỗ
bất tử rất quý hiếm và đắt đỏ. Em có biết người ta nói gì về loại cây khác lạ
này không? Rằng cây gỗ bất tử chỉ làm những gì nó muốn thôi, rằng chính nó
nói cho người thợ thủ công cái mà nó muốn trở thành. Chúng ta đành hài
lòng với cung bằng gỗ thông đỏ thôi, và hãy tin chị đi, như thế cũng kì công
lắm rồi! Đã phải tìm ra cây này, đốn nó xuống, tách vỏ, để cho nó khô… Ba
mùa trăng đấy.
- Ba mùa trăng để làm một chiếc cung sao?
- Không, để phơi khô thôi! Em hiểu chứ?
Jad ngỡ là chị Jwel đang giỡn chơi.
- Chị đã nhìn cây gỗ được phơi khô trong suốt ba mùa trăng chưa?
- Ồ, không chỉ vậy! Chị cũng đã quan sát… quan sát một con nhện trên
mạng chăng của nó, ngọn lửa trên một cây nến, sự qua lại của một con thoi
trên một khung cửi. Bọn chị hồi đó mười lăm mùa trăng, ai cũng nóng lòng
muốn bắn nhưng ông thầy bắt bọn chị ngắm một con vật nhỏ nhiều giờ liền!
Tiếp đó, ông ấy chuyển thứ khác, việc ấy vẫn chẳng liên quan gì đến cung nỏ
cả, như bắt vác đá từ chỗ này sang chỗ khác và rồi hôm sau lại bắt mang về
chỗ cũ. Hay ông ấy bắt bọn chị chơi đàn vĩ cầm để cho bọn chị hiểu là cung
không chỉ là một vũ khí mà còn là một nhạc cụ.
- Nhạc cụ ư? Em không hiểu.