tác động, còn tiềm tàng ở trong bản thể của tính thì gọi là trung; khi đã phát
xuất tác động rồi mà thấy đều được điều hòa trung tiết thì gọi là hòa diệu
quân bình".
Tây phương nhấn mạnh công bằng. Ðông phương nhấn mạnh hòa. Nhưng
hòa là bao gồm cả công bằng. Không thể quan niệm hòa mà không có công
bằng. Bởi vì bất công là phá hủy hài hòa, kể cả hài hòa của vũ trụ, thiên tai sẽ
giáng xuống đầu (vua). Trung Hoa có môt quan niệm rất động về hòa và
công bằng. Chỗ nào trống thì phải lấp đầy; chỗ nào đầy quá thì phải lấy bớt.
Chỗ thấp thì làm cao lên; chỗ cao thì phải san sẻ. Lão Tử nói hay lắm: "Lớn,
là đi quá xa; đi xa thì phải trở về". Vũ trụ quan của Lão Tử cũng quy vào chữ
"Hòa". "Ðạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật
phụ âm nhi bão dương, sung khí dĩ vi hòa". (Ðạo sinh một, một sinh hai, hai
sinh ba, ba sinh ra vạn vật. Vạn vật ôm khí âm, cõng khí dương, hai khí mâu
thuẫn hỗn hợp thành ra hòa).
Bây giờ nói qua về Nhật. Nhật chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa, tất
nhiên không xa lạ gì với chữ Hòa. Nhưng, hơn cả Trung Hoa, hòa đi vào
"hiến pháp" đầu tiên trong lịch sử Nhật. Vua Thánh Ðức (Shotoku, 574-622)
ban hành một hiến chương, gọi là "hiến chương 17 điều", trong đó chữ "hòa"
thấm nhuần từ đầu tới cuối [1] .
Ngay từ điều 1: "Trên tất cả, hãy lấy chữ "hòa" làm gốc; cách cư xử tốt nhất
là tránh bất hòa. Người nào cũng có đầu óc, bè phái, ít người không thiên vị.
Bởi vậy, lắm lúc có người bất tuân vua mình, cha mình, lại tranh chấp với
chung quanh. Nếu mọi người, trên cũng như dưới, biết hòa hợp với nhau và
tranh luận trong hòa khí, mọi việc sẽ tốt đẹp. Như vậy, có việc gì mà không
làm được?".
Nhiều tác giả Nhật nhấn mạnh: Vua Thánh Ðức không nói: phải vâng lời, mà
nói: tranh luận phải được diễn ra trong không khí hòa hợp và như vậy thì mới
đi đến kết luận đúng đắn. Ðây là ý nghĩa của điều 17 trong hiến chương vừa
nói.
Ðiều 17: "Trên những vấn đề công vụ quan trọng, không được quyết định