3 – Lịch triều hiến chương loại chí chép:
"Lý Thái Tông năm Minh Ðạo thứ 1 (1042) ban bố hình thư. Buổi đầu trong
nước việc hình ngục kiện cáo phiền nhiễu, pháp quan câu nệ luật văn, chuộng
sự nghiêm khắc, phần nhiều oan uổng sai phạm. Thái Tông thường lấy làm
thương dân, mới sai quan trung thư sửa định luật lệnh, tham chước những
điều thông dụng trong thời ấy, chia làm môn loại, chép rõ điều mục, thành bộ
hình thư của một đời để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, có chiếu ban
hành, nhân dân lấy làm tiện. Ðến đó phép xử rất rõ ràng".
Cái gì khiến Lý Thái Tông làm luật? Ðể trừng trị? Không, mục đích là vì
thương dân. Làm luật cũng có thể là vì từ bi. Hãy nghe thêm: "Thánh Tông
năm Long Thụy Thái Bình thứ 6 (1059), mùa hạ, tháng 4, khi vua nghe xử
kiện ở điện Thiên Khánh, Ðổng Thiên công chúa đứng hầu bên cạnh, vua chỉ
vào công chúa mà bảo ngục lại rằng: "Ta làm cha mẹ dân, lòng yêu dân cũng
như yêu con ta đây. Nhân dân vì không biết mà sa vào hình pháp, ta rất
thương. Từ nay về sau, không cứ tội nặng tội nhẹ, đều nên khoan hồng".
Sử thần Nho gia họ Ngô phê bình: "Xem đó thấy Thánh Tông thành thực
thương dân, khoan hồng việc hình, cùng là vua tôi thân nhau, không ngăn
cách trên dưới, khoan độ, trung hậu, dễ dãi, có thể tưởng thấy được. Cứ theo
đạo ấy mà làm, thói dở đâu còn che lấp, dân tình đâu còn không thông, thiên
hạ đâu còn lo chẳng thịnh trị!"[5]
Ðó là Nho gia khen vua Phật, không phải "mèo khen mèo"...
4. Tôi trích một sử liệu thứ 4, vẫn một câu thôi, nhưng tôi cho là vĩ đại. Năm
1126, vua xuống chiếu cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây
(DVSKTT, tr.225).
Luật của cây cối là: xuân sanh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn.
Xuân sanh: hãy nhìn một lộc non vừa nhú lên trong mùa xuân, bao nhiêu là
hạnh phúc, bao nhiêu là sức sống! Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử
hình sự sống! Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình mùa xuân! Chưa
bao giờ chân lý, thiện và mỹ được nâng cao lên đến mức ấy.