và có quy tội tử hình, trong suốt 346 năm, từ 810 đến 1156, tử tù không bao
giờ bị hành quyết. Chẳng đáng ngạc nhiên hay sao?
Tôi lại đọc Lịch triều hiến chương loại chí của ta. Sử thần Phan Huy Chú
triều Nguyễn chép rằng dưới thời Lý Nhân Tông, năm 1125, có chiếu: "Phàm
kẻ đánh người đến chết thì đày làm khao giáp, đánh 100 trượng, thích vào
mặt 50 chữ".
Sử thần họ Ngô, nhà Nho, bàn: "Sát nhân giả tử, đó là phép cổ. Sao lại có
giết người mà chỉ xử nhẹ trượng với đồ?... ". Ðó là sử thần nhà Nho phê bình
một chính sách chắc là chịu ảnh hưởng của Phật. Tôi không nói ai đúng ai
sai. Chỉ nói rằng khuynh hướng hiện tại trên các nước văn minh là chống
việc tử hình.
2 - Trên là tử hình. Bây giờ là xá tội. Ðại Việt sử ký toàn thư chép: "Năm
1129, Lý Thần Tông xuống chiếu xá những người có tội" (tr.264). Sử thần
nhà Nho Ngô Sĩ Liên rất bực mình về việc các vua Lý hay xá tội vào những
dịp lễ hội Phật. Ông hạ bút: "Nhân Tông thường hay nhân dịp mở hội Phật
mà xá người có tội là không phải, nhưng mà mượn tiếng hội Phật. Còn như
vua (nghĩa là Thần Tông) thì không có việc gì mà cũng xá. Phàm tội nhân
phạm pháp có nặng có nhẹ, năm bậc hình phạt có trên có dưới, làm sao có thể
tha được? Nếu nhất khái tha cả thì kẻ tiểu nhân gặp may mà được khỏi tội, đó
không phải là phúc cho quân tử. Cho nên thời xưa nói về việc trị nước, tuy
không thể không xá tội nhưng mà cũng lấy xá tội làm có hại. Lỗi mà tha thì
được, tội mà tha thì không được. Kinh Dịch nói: tha lỗi giảm tội. Kinh Thư
nói: lầm lỗi thì tha cho, cố phạm thì trị tội. Thế là phải"[4].
Khó mà bàn về lời bàn của Ngô Sĩ Liên, bởi vì sử chỉ chép một câu về việc
xá tội của Lý Thần Tông, ta không có chi tiết. Không có chi tiết thì đố ai dám
nói hay hay dở. Giá như thời đó có thống kê để xem tổng số tội phạm tăng
hay giảm sau mỗi lần xá, hoặc xem những tội nhân được xá có tái phạm
không! Nhưng đó không phải là chuyện tôi đang nói. Chuyện tôi muốn nói là
lòng nhân của các vua Lý. Về lòng nhân đó, tôi trích một sử liệu thứ 3, may
quá, lần này được sử thần Nho gia đồng ý.