Cao Huy Thuần
Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi & Ta
BÀI THỨ HAI
LUẬT BẮT NGUỒN TỪ THẦN LINH
LUẬT BẮT NGUỒN TỪ THƯỢNG ĐẾ
Xét về mặt lịch sử, các xã hội "cổ truyền" tin rằng luật bắt nguồn từ một ý
muốn ở trên cao và ở ngoài ý muốn của con người. Tôi nói các xã hội "cổ
truyền" chứ không phải chỉ là sơ khai. Bởi vì ngay cả Tuyên ngôn nhân
quyền và dân quyền 1789 của Pháp - cũng như Hiến pháp 1793, 1795 – kể ra
một số quyền "với sự hiện diện và bảo trợ của Ðấng Tối cao". Các tác giả
Cách mạng 1789 chưa có ý niệm tách Tôn giáo ra khỏi Nhà nước.
Vậy thì trong các xã hội "cổ truyền", luật có nguồn gốc từ thần linh. Cũng tin
như vậy, nhưng lại có hai quan niệm khác nhau. Hoặc cho rằng Thượng Ðế
tự mình sáng tác ra luật. Hoặc cho rằng Thượng Ðế không trực tiếp ban luật
ra, nhưng gợi hứng cho người. Khác nhau nhiều lắm. Quan niệm thứ nhất là
của Do Thái và Hồi giáo. Quan niệm thứ hai là của cổ Hy Lạp, La Mã. Ki Tô
giáo, vừa là thừa kế của văn minh Do Thái, vừa tiếp thu văn minh cổ Hy Lạp,
La Mã, thâu nhập cả hai truyền thống khác nhau đó.
I - QUAN NIỆM THỨ NHẤT:
LUẬT LÀ DO THẦN LINH TRỰC TIẾP LÀM RA.
Cả Do Thái lẫn Hồi giáo đều cho rằng luật là do Thượng Ðế ban ra. Theo Do
Thái, chính Yahvé (tức là Thượng Ðế của Do Thái) phán ra thập điều cho
Moïse (Tk 13 tr. TL). Phán ra trên đỉnh Sinai, giữa lửa và khói, giữa tiếng
kèn và sấm chớp. Không những phán ra, mà còn viết ra nữa, viết Thập điều
trên hai tấm đá. Phía Hồi giáo thì cho rằng thiên thần Gabriel (Jibril) đọc
Thánh kinh Coran cho Mahomet theo lệnh của Allah.
Như vậy, về phía Do Thái, luật là do Yahvé ban ra, và luật đó là nền tảng của
dân tộc Do Thái, là truyền thống riêng biệt của Do Thái. Luật đó nói gì? Nói
rằng Thượng Ðế chỉ có một, Thượng Ðế là vạn năng; dân tộc của Thượng Ðế