Vài chi tiết đơn sơ như vậy cốt để biết Torah là gì, Talmud là gì. Ðiều tôi
muốn nói là: trong đạo Do Thái, luật là do Thượng Ðế ban cho. "Ban cho"
như vậy có nghĩa rằng Thượng Ðế giữ bản quyền, cấm không được thêm bớt.
Thêm bớt, sửa đổi, phải do chính tác giả. Ðối với người, luật đó không sai
chậy, bất di bất dịch. Như vậy, có vấn đề đặt ra: làm sao áp dụng một cách
hiệu quả, biết cái gì là chính yếu để tôn trọng trong khi xã hội biến đổi, tiến
hóa không ngừng? Nghĩa là vấn đề diễn dịch. Ai diễn dịch? Trả lời: các pháp
sư và chỉ các pháp sư mà thôi.
Trong Torah cũng như trong Coran, có nhiều điều về luật dân sự và hình sự.
Trong cả hai, phụ nữ có một quy chế thấp hơn nam giới. Sự bất bình đẳng
giữa hai giới còn được thiêng liêng hóa trong Coran: đàn ông có quyền đối
với đàn bà "do sự lựa chọn mà Thượng Ðế đã ban cho họ". Sự bất bình đẳng
đó đưa đến hậu quả trong mọi địa hạt của luật: quy chế về con người, hôn
nhân, thừa kế, ngay cả trong lĩnh vực tố tụng, chẳng hạn về nhân chứng. Tôn
giáo nuốt trọn luật pháp. Theo Tây phương, trong ngôn ngữ Ả Rập, không có
cả một từ để diễn tả một trật tự luật pháp tách ra khỏi tôn giáo. Từ "chariya"
(con đường, đạo) được xem như diễn tả ý muốn của Thượng Ðế, bao trùm
lên tất cả lĩnh vực luật pháp và cung cấp chất sống cho luật pháp.
II - QUAN NIỆM THỨ HAI:
LUẬT DO THẦN LINH GỢI HỨNG.
Ðây là quan niệm của cổ Hy Lạp. Hứng thì ai chẳng có. Nhưng nói "hứng",
ai cũng liên tưởng trước tiên đến các thi sĩ. Mà quả vậy! Ðặc biệt của cổ Hy
Lạp là trao cho các thi hào, các triết gia việc suy nghĩ về luật, về ưu việt của
luật trong đời sống xã hội. Ðiểm này khiến cổ Hy Lạp khác với cổ La Mã:
trong cổ La Mã, những người đầu tiên suy nghĩ về luật là các luật gia.
Homère là nhà thơ đầu tiên suy nghĩ về trật tự của vũ trụ, về công bằng, về
luật. Khi Homère làm thơ như thế, vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước Tây lịch,
thế giới Hy Lạp đã có ở đằng sau một lịch sử dài. Hai tập thơ nổi tiếng nhất
của Homère là Iliade và Odyssée. Trong hai tập thơ, hai tên được nói đến