giáo, luật vừa phát xuất từ những tương quan, vừa có cứu cánh là những
tương quan. Trong Phật giáo, con người không thể là con người cá nhân.
Tôi nói về điểm thứ nhất. Lý tưởng của Phật giáo là cho vui và cứu khổ. Ðó
là ý nghĩa của chữ Từ Bi. Cứu khổ đến cái mức vô cùng vô tận, đến cái mức
không còn một người nào khổ nữa ở trong trần gian mới thôi: đó là lý tưởng
Bồ-tát. Mang lý tưởng đó ở trong mình, Bồ-tát thấy khổ ở chung quanh, ở
trước mắt, thấy khổ nơi người khác mà mình muốn làm cho vui: đâu có thấy
mình nữa! Ðó là cách hay nhất để biết hạnh phúc là gì.
Tôi biết tôn giáo nào cũng nói đến bác ái, vị tha, nhưng tôi không thấy ở đâu
khác lý tưởng rốt ráo như trong Phật giáo. Chỉ nói đến hai hạnh mà thôi:
hạnh Từ bi và hạnh Bố thí, lý tưởng Phật giáo đi đến chỗ cho tất khác, cho
đến chỗ không còn gì để mà cho nữa, cho đến cả sinh mạng của mình. Lý
tưởng đó với cá nhân chủ nghĩa như nước với lửa.
Tôi qua điểm thứ hai. Có hay không, có và không: Phật giáo cao siêu tuyệt
vời trên hai chữ có và không. Nếu chỉ nói gọn trong vài chữ thôi, và nếu gọi
rằng đó là luật, thì trong Phật giáo có luật tương sinh tương diệt, lệ thuộc hỗ
tương. Nếu sự vật có, thì chỉ là có trong mối liên hệ hỗ tương, chứ không có
trong từng đơn vị riêng rẻ. Và mối liên hệ hỗ tương đó diễn ra trùng trùng
điệp điệp. Tôi rất yêu hình ảnh này, mà lại là một hình ảnh khoa học: một
cánh bướm vỗ ở bên kia bán địa cầu, không khí chuyển động ở bên này nửa
trái đất [3]. Trong Trường Bộ kinh, Phật dạy chàng thanh niên Thiện Sanh
đảnh lễ sáu phương, với ý nghĩa như thế này: mỗi người là trung tâm cuộc
sống của mình, trên dưới và bốn phía của mình đều có những tương quan
giúp vào mới thành cuộc sống ấy: cha mẹ (phương đông), thầy bạn (phương
nam), vợ chồng (phương tây), bà con (phương bắc), tu sĩ (bên trên), giúp việc
(bên dưới). Mình vừa đón nhận, vừa đáp trả. Lễ bái sáu phương là như vậy.
Và như vậy, trên bình diện xã hội, con người chỉ hiện hữu trong tương quan.
Quan niệm con người - tương quan của Phật giáo khác quan niệm con người
- cá nhân như nước với lửa.
Tôi biết rằng ở phương Tây, nói đến quyền là tiến bộ, nói đển bổn phận là