Con người không bao giờ là một thực thể riêng rẻ, trừ anh chàng Robinson
lạc vào hoang đảo. Giá như có một giọng nói nào đó trong không trung bảo
anh chàng rằng: Này, nhà ngươi có sẵn tất cả mọi quyền, quyền tự do, quyền
bình đẳng và nhất là quyền tư hữu thiêng liêng đấy nhé!, chắc chắn chàng
Robinson sẽ nhìn mấy con cá sấu để suy ngẫm triết lý cao siêu này.
2 - Bây giờ, nói đến Phật giáo.
Phật giáo đề cao con người đến tột độ, bởi lẽ chỉ có con người - chứ không
có ai khác, Thượng đế hoặc Thần linh - định đoạt số phận của mình. Phật
giáo cũng không mất công suy luận viễn vông về tính ác của con người như
Hobbes, hay tính thiện của con người như Rousseau. Phật giáo luôn luôn
thực tế và căn cứ trên kinh nghiệm: con người có tốt có xấu. Nhưng Phật
giáo rất lạc quan. Nơi người xấu nhất trần gian, luôn luôn có một cái gì đó tốt
để vun trồng. Và nơi mọi người, ai cũng có thể từ bỏ thói xấu, khuyết điểm.
Không chủ trương rằng con người bản tính là thiện, Phật giáo nói rằng con
người có đầy đủ khả năng để trở thành thiện, hơn thế nữa, để trở thành Phật.
Thành Phật, hay thiện, không phải để cho riêng mình. Phật giáo đã bác bỏ cái
tôi, thì tôi là ai, là gì, mà vơ tất cả vào tôi!
Trong Phật giáo, chữ "tôi" không có, nhưng chữ "với" thì có, thì quan trọng
lắm. Và chính vì chữ "với" quan trọng như vậy cho nên nó tạo hiện hữu cho
chữ tôi: tôi khi nào cũng là tôi với. Tôi với kẻ khác. Tôi nói: kẻ chứ không
nói người khác. Bởi vì nếu anh chàng Robinson là Phật tử thì chàng ta tốt với
cả con cá sấu.
Như vậy, có hai chuyện để nói ở đây. Một, là trong Phật giáo, không phải tôi
là quan trọng mà là kẻ khác. Lý tưởng của Phật giáo là chỉ thấy kẻ khác, chứ
không thấy tôi. Hai, là ý niệm tương quan nằm trong tinh túy của Phật giáo;
tất cả những gì mà ta gọi rằng có thì đó chỉ là những tương quan. Nếu tôi bất
đắc dĩ tạm dùng ngôn ngữ luật của thế tục, thì tôi sẽ nói rằng, trong Phật