Cao Huy Thuần
Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi & Ta
BÀI THỨ NĂM
NGUỒN GỐC CỦA LUẬT
LUẬT ÐẾN TỪ THIÊN NHIÊN, TỪ SỰ SỐNG
Cho đến gần đây, Tây phương chỉ nói đến quyền của con người. Bây giờ,
quyền của thiên nhiên được đưa vào triết lý luật. Ðây là một tranh luận rất
quan trọng, bởi vì địa vị tối thượng của con người bị đem ra xét lại trong tư
tưởng luật pháp. Cả khái niệm "hiện đại" (modernité) cũng bị xét lại. Và bắt
đầu là Descartes, cha đẻ của tư duy hiện đại. Descartes tách rời con người với
thiên nhiên. "Tôi tư duy vậy tôi hiện hữu". Như thế thì, tôi, tôi là một đồ vật
tư duy, hoặc là một thực thể mà bản chất là tư tưởng và cắt đứt ở đấy, không
nối dài ra với cái gì khác. Tôi có một thân xác, thân xác đó là một vật được
kéo dài ra, nhưng lại không tư duy được. Với linh hồn, tôi hiện hữu, nhưng
như thế thì linh hồn khác hẳn với thân xác của tôi và có thể hiện hữu mà
không cần thân xác.
Thân xác tách biệt ra khỏi linh hồn, huống hồ thiên nhiên! Thiên nhiên bị
xem như một đồ vật, như một nguồn của cải, đặt dưới sự thống trị của con
người, chủ tể và chủ nhân. Tư tưởng đó gặp văn minh công nghệ ngày nay
đưa đến thái độ khai thác thiên nhiên triệt để, xem con người như chỉ lệ thuộc
vào văn minh mà thôi, chẳng lệ thuộc gì trái đất. Trái đất, thiên nhiên chỉ có
một chức năng mà thôi là cống hiến cho con người trăm ngàn thú vị mà nhờ
biết khai thác, con người thụ hưởng dễ dàng.
Cả trường phái Ánh Sáng vận dụng tư tưởng này. Trước Descartes, F. Bacon
(1561-1626) đã tuyên bố: "Thiên nhiên giống như gái điếm; ta phải khuất
phục nó, thông suốt bí mật của nó, chinh phục nó tùy theo sở thích của ta".
Locke (1632-1704) giải thích: Thượng đế ban cho người trái đất để chiếm
hữu; con người tự nó là tư hữu của Thượng đế, nhưng tất cả mọi người ai
cũng tự do, bình đẳng như ai. Việc chiếm hữu thiên nhiên như vậy là do
Thượng đế muốn và do con người toàn quyền thực hiện. Hơn nữa, sự chiếm
hữu đó là điều kiện để con người được sử dụng tự do đối với những người