- lợi nhuận. Tính toán như vậy, thì cần gì phải đặt vấn đề đạo đức nữa, bởi vì
chỉ cần định nghĩa quyền lợi cho đúng thì sẽ biết cách ứng xử đúng nhất đối
với thiên nhiên. Chẳng hạn, vì quyền lợi của con người, con người không nên
phá hủy hay lạm dụng thiên nhiên, bởi vì làm như thế thì có khác gì từ bỏ
quyền đô hộ hay quyền kiểm soát của mình.
Quan điểm này duy trì nguyên trạng bậc thang giá trị đặt con người trên tất
cả các sinh vật khác bằng cách gán cho con người một cứu cánh, một giá trị
tuyệt đối rồi buộc tất cả các sinh vật khác phải lệ thuộc vào đó. Người, nói
theo William F. Baxter [1], không thể ngang hàng với con chim biển
pingouin, con gấu Bắc cực hay rừng thông. Hậu quả của bậc thang giá trị là
con người không có bổn phận phải là thế này, là thế kia với chim, với gấu,
với rừng. Bổn phận đó chỉ đặt ra giữa con người với con người trong thế giới
con người, không đặt ra trong thế giới phi nhân. Tự bản chất của nó thiên
nhiên không có quyền, mà cũng không có tư cách để buộc ai phải có một thái
độ luân lý đúng đắn.
2 – Hoặc là tin tưởng ở ý thức của con người. Ý thức đó đã vượt qua cá nhân
để vươn tới nhóm, đã vượt qua nhóm để vươn tới cộng đồng, bây giờ phải
vượt qua cộng đồng để vươn tới cái toàn thể. Vấn đề môi trường sẽ được giải
quyết bằng cách đó, bằng cách làm giảm khác đi dần dần những khác biệt
giữa các sinh vật. Nhờ đó mà con người sẽ thực hiện toàn vẹn tính cách của
mình như một sinh vật sống. Ðây là quan niệm của Livingston [2].
3 – Hoặc nhấn mạnh bổn phận của người đối với thiên nhiên, nhưng không
cần sáng chế thêm một thứ luân lý mới. Quan niệm luân lý thông thường đủ
để giải quyết những quan tâm về môi trường, chống lại ô nhiễm, trộm cướp
của cải thiên nhiên, tiêu diệt cây cối, thú rừng hoang dã. Luân lý thông
thường nghĩa là: đừng làm hại kẻ khác, tôn trọng kẻ khác. Ðây là quan điểm
của Passmore [3].
Deep Ecology mà Arne Naess là chủ xướng, chống lại những quan điểm trên,
bởi vì, như đã nói, những quan điểm đó vẫn đặt con người ở trung tâm vũ trụ.