Cao Huy Thuần
Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi & Ta
BÀI THỨ NĂM (B)
Cho tới bây giờ tôi toàn nói chuyện của người, đã nói chuyện gì của mình
đâu! Nhưng tôi chắc ai cũng hiểu rằng tôi nói chuyện người là để hiểu
chuyện mình đấy thôi!
Tây phương đã phải tốn hai mươi thế kỷ để bắt đầu nhìn thấy những vấn đề
nằm trong căn bản của tư tưởng Phật giáo. Tôi có cần phải nói tư tưởng đó ra
đây không? Chắc là không cần, bởi vì tư tưởng của Phật giáo về thiên nhiên,
về loài vật, về chúng sinh, về sự sống quá sức quen thuộc đối với chúng ta.
Từ lúc tôi còn nhỏ, anh Võ Ðình Cường đã viết thế này trong Những cặp
kính màu: "Ðối với loài vật, loài người có một sự tự cao vô lý. Sự tự cao ấy
xui sử người ta bất công... Theo đạo Phật thì chỉ có một bình đẳng tuyệt đối:
bình đẳng của sự sống. Trước sự sống, mọi sinh vật đều như nhau. Sự sống
rất chung cùng và không thiên vị. Loài người không thể viện lý gì để gom
góp sự sống về cho riêng mình và tung tràn thần chết chung quanh" (tr.154).
Phật giáo tuyên bố: hết thảy chúng sinh đều có Phật tính. Và khái niệm
chúng sinh trong Phật giáo rất rộng, con người cũng chỉ là một chúng sinh.
Thậm chí các chuyện thiền còn nói rất rõ: "Cây cỏ, đất đá, đồi núi, tất cả yếu
tố của vũ trụ đều có Phật tính". Tôi không muốn nói nhiều về điều này mà
chúng ta quá biết, chỉ nhắc lại hai ba chi tiết mà tôi đọc được trong quyển Tỷ-
kheo giới của Hòa Thượng Trí Quang.
Giới thứ 10 trong 90 giới Ba-dật-đề: "Nếu Tỷ-kheo tự tay đào đất hay bảo
người đào đất thì phạm Ba-dật-đề".
Giới thứ 11: "Nếu Tỷ-kheo chặt phá cây cối, có nghĩa là phá hủy chỗ ở của
quỷ thần và sinh vật, thì phạm Ba-dật-đề".
Giới thứ 19: "Nếu Tỷ-kheo biết nước có trùng mà tự đem dội trên đất trên cỏ,
hay bảo người dội, thì phạm Ba-dật-đề".