đang nghĩ bị chết chắc, đâm hoang mang vô ngần, vì mường tượng trong cơ
thể gã đang tàng ẩn một vực sâu không đáy, bao nhiêu kình lực đổ vào đều
bị hấp thụ đến tuyệt tích.
Sự biến hoá này nằm ngoài ý liệu, ban sơ, Lục Tiệm vô cùng hãi sợ,
nhưng sau khi cố gắng nghiền ngẫm, gã bỗng chợt hiểu, chẳng biết vì sao,
luồng Chu Lưu bát kình này đã hoàn toàn chuyển hoá thành kiếp lực, nội
thể Lục Tiệm tuy không còn một chút chân khí nào, thần thức gã đã không
giảm thì chớ, mà còn tăng lên, rồi kiếp lực tản đi, khiến gã bỗng dưng thấu
hiểu rõ ràng tình hình chân khí vận chuyển bên trong nội thể Cốc Chẩn.
Nguyên là, sau nhiều ngày khổ luyện, chân khí nội thể Cốc Chẩn tăng
trưởng đến mức tràn ngập tối đa, để rồi, giống như mọi vật trong trời đất,
khi lên đỉnh cao tột cùng, ắt phải đi xuống, như một cái túi da chứa nước,
nước đổ vào đầy quá tất sẽ tràn ra ngoài, nếu nước không trào ra miệng túi
được, sẽ phải phá vỡ da túi mà thoát. Nội thể Cốc Chẩn chưa tập luyện đủ
mức, chân khí tràn đầy xung phá ra ngoài, bất tri bất giác, đã như một trận
hồng thuỷ, phá vỡ đê ngăn, kích một phát vào Lục Tiệm đang lúc không
phòng bị. Nếu trường hợp người khác bị kích, nhất định mạng vong, nhưng
vì Lục Tiệm luyện theo "Hắc Thiên thư", hai mạch Ẩn và Hiện đều thông
suốt nhau, khi hiển mạch bị phá, ẩn mạch vẫn còn, những biến hoá của khí
cơ trong gã không giống bất cứ trong cao thủ nào khác. Mà kiếp lực tự nó
cũng có thần thức, có thể chuyển biến thành bất kỳ loại chân khí nào. Xưa
nay, Lục Tiệm chuyên mượn kiếp lực đổi thành chân khí, nhưng gã đâu có
biết, đi xuôi được thì đi ngược cũng được, cũng có thể lấy bất kỳ chân khí
nào đem biến thành kiếp lực, nhưng cái biến hoá đó, khó thực hiện vô cùng,
bó buộc toàn bộ chân khí trong người phải tiêu tán sạch, ẩn mạch, hiển
mạch phải hoàn toàn trống rỗng, lúc đó, chân khí khi nhập thể, trước tiên
hoá thành kiếp lực, để rồi được mượn để chuyển hoá sang chân khí, lưu
thông tràn đầy khắp ẩn mạch và hiển mạch.