nhưng bỗng nhiên nghe thấy tiếng gà kêu. Tiếng gà kêu khắc khoải, chẳng
trình tự gì, khi đổ hồi khi tiếng một. Tôi đi lúc lâu chẳng thấy có con ếch
nào, bỗng nhiên nhận ra mình đã lạc đến tận rạch sông Cấm lúc nào chẳng
biết. Trên trời, đơn độc một vì sao Mai.
Mãi đến tận mờ sáng tôi mới lần về đến rìa làng. Không khí rất sạch.
Làng quê quen thuộc, yên tĩnh. Sau mưa, quang cảnh hiện lên vừa đỏm
dáng, vừa tinh khiết.
Qua nhà thím Nhung, tôi dừng lại. Ngôi nhà nhỏ nép ven đường.
Phiên liếp hé mở. Một bóng người vội vã lách ra. Người ấy trông trước
trông sau rồi vụt chạy nhanh khuất sau bụi duối. Trộm chăng? Tôi định kêu
lên thì nhận ra chú Phụng. Một lát, thím Nhung mở cửa bước ra, vẻ bình
thản, mặc bộ đồ váy ngủ phong phanh. Thím Nhung hơn ba mươi tuổi,
người cân đối, xinh đẹp.
Tôi xách giỏ ếch đi sau chú Phụng. Đến chỗ rẽ, chú Phụng ngoái lại
thấy tôi. Chú Phụng hỏi: "ếch có nhiều không?" Tôi không trả lời. Chú
Phụng thoáng giật mình. Chú căn vặn: Mày sao thế? Tôi bỗng thấv buồn da
diết. Tôi buồn cho thím Nhung, buồn cho chú Phụng, cho ông giáo Quỳ.
Tôi buồn cho tôi.
Chú Phụng bỏ đi, vẻ bất cần. Tôi về nhà. Hóa ra cũng chỉ có khoảng
hai chục con ếch. Chị Ngữ bảo: " Chẳng bõ. Thế mà cũng đi suốt đêm". Mẹ
tôi cười: "Chắc cu cậu vừa bắt ếch, vừa ngủ gật". Cái Minh sửa soạn đến
trường để sinh hoạt hè. Nó mặc quần phăng xanh, áo trắng, đây là bộ diện
nhất mà nó chỉ mặc trong dịp hè. Cái Minh ghé tai tôi bảo: " Em biết anh đi
đâu rồi, nhưng em không nói. Không phải anh đi bắt ếch. Cái Minh cười.
Tôi nhìn vào mắt nó. Nó biết. Tôi đâu ngờ rằng chỉ vài giờ sau tôi đã phải
khóc nó. Nó biết, đơn giản vì gần như nó đã trải qua, thấu suốt. Đến lúc ấy,
lúc nó chết, chỉ còn hơn bốn giờ nữa để nó đùa cợt và ngộ cho xong hết