Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế
cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ.
Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời,
mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lý, vài con
ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền
trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve
sầu mới lột.
Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị
có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua
vắt chanh ăn mắt như quạt vào lòng. Cánh màn điều treo ở trước bàn thờ
ông vải đã hạ xuống từ hôm "hoá vàng" và các trò vui ngày tết cũng tạm
thời kết thúc để nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật.
Các con lại đi học cả rồi. Dưới nhà, người làm ngồi nhắc lại chuyện tết với
nhau "tiền mở hàng được tất cả mười hai đồng" và "đánh tam cúc thua mất
ba đồng". Một cảnh thanh bình thú vị diễn ra thấp thoáng ở ngoài vường,
sân gác.
Bảo là nóng ư? Không. Bảo là rét ư? Không. Thời tiết lúc đó kì lạ lắm: rét
vẫn còn vương trên ngọn xoan đào, nhưng dất ở ngoài vườn khô ráo, sạch
bong, mịn màng như thể đất rừng Đà Lạt sau một đêm sương, và, qua
những kẽ lá chòm cây, có những bông hoa nắng rung rinh trong bể nước.
Đêm xanh biêng biếc, tuy chưa có mưa dây, những nhìn lên thấy rõ từng
cánh sếu bay. Về khuya, trời vẫn rét một cách tình tứ nên thơ: mặc dầu vẫn
phải đắp chăn bông, nhưng ban ngày không cần phải mặc áo ấm như hồi
cuối chạp.
Người vợ bắt đầu thu hết những nệm thêu trải ở sập chân quỳ và gối gấm
trên ghế trắc "mua tự bên Tàu về" để đem ra phơi dưới nắng xuân, trên một
cái chiếu mầu khô nỏ. Mi môn, quần màn, với quần áo tết của vợ chồng và
các con sẽ được phơi như thế chừng ba nắng để rồi đem cất vào trong tủ có
trải sẵn rễ "hương bài" để cho quần áo thơm ngát và khỏi "nhậy".