Một cô xách "bóp" da cừu dừng lại ở đường Chợ Cũ ăn mấy cái bì cuốn
"nhắm" với một ly đá lạnh; một ông, nhân ngày xuân tươi đẹp, "bao" vợ và
con, mua ba trái dưa hấu bổ ra ăn cả nhà, mặt mùi "tèm lem"; lại một bà,
thương chồng con vất vả quanh năm, bưng về cả một liễn cary Chà mở tiệc
thưởng xuân ăn với rất nhiều bún kèm thêm một vài ổ bánh mì dài như cây
đòn gánh.
Ăn như thế mà khát thì uống một ly chanh muối hay chén đậu đỏ bỏ rất
nhiều nước đá; ai muốn mát ruột mà lành thì uống một chén "sinh sâm"
hoặc một ly sữa đậu nành, còn các co gái dậy thì, ăn thịt nhiều xót ruột,
mua một vài đồng "tầm ruột" hay "cốc" chấm mắm nêm ớt, ngon đáo để,
giòn rau ráu.
Tháng giêng ở miền Nam ngà ngọc có một vẻ đẹp "ly kỳ" làm cho người ta
háo hức, khiến cho cổ họng khô teo, muốn uống nước cả ngày, uống rồi lại
khát, khát rồi lại uống, mồ hôi vã ra như thể là mình "thoát dương".
Nhưng mà sướng,
Sướng là vì nhà nào, dù kiết xơ kiết xác đến đâu cũng có một tủ lạnh để vài
ba chai nước lọc, một cái radio, một cái tivi hò hét những vũ điệu điên
cuồng khiến cho ông vía, bà cụ, chàng trai, cô gái đều rên rú cả lên, muốn
"vặn mình xà" nhảy vũ điệu "cha cha cha" rồi thoát y vũ như trong "sô"
Trương Minh Giảng. Tươi quá, trẻ quá. Quả là một giai đoạn "đang lên".
Nhưng tại làm sao tất cả những sinh khí tươi trẻ, đang lên đó không làm
khuây khoả được lòng người sầu xứ luôn luôn mong cho đất nước tiến triển
vượt bực, mà trái lại lại làm cho y rầu rĩ hơn, nhớ thương hơn những tháng
giêng Bắc Việt đã qua rồi?
Ờ, cứ vào dạo này đây, ở Bắc người ta đi lễ vui đáo để. Chiều chiêu, đứng ở
nhà Khai Trí Tiến Đức, nhìn lên cầu Thê Húc sơn đỏ ở giữa đám mây xanh
đông đảo những người đi lễ trong ngôi đền Ngọc Sơn trắng toát, anh cảm
thấy có những lúc nước lộn lên trời, trời rơi xuống đất khi nhìn những bóng
người hiện ra huyền ảo ở dưới làn nước xanh mơ.