ngoài đã thấy vợ đỗ cái xe nhà ở gốc cây đa ba ngọn, đi chợ thật sớm mua
con cá lá rau cho thật tươi, thật rẻ, để cho cơm lành canh ngọt, chồng con
vui vẻ, gia đình ấm cúng, thuận hoà?
Ghét không biết chừng nào cái thiếu thời đầy tự ái! Mang tội lỗi cùng mình
đến thế, người chồng đã chẳng biết thương người vợ mưa dầu nắng dãi mà
lại còn lấy làm hả hê vì đã sống đúng theo lí tưởng của một người chồng
kiểu mẫu lúc bấy giờ: vợ phải chịu thương chịu khó, còn chồng thì muốn ăn
chơi chè rượu gì, tuỳ ý, vợ không có quyền can thiệp.
Sau này, đến lúc có con, có cái với nhau rồi, bắt đầu biết thương vợ, anh ta
có lúc đã nghĩ thầm thế nào rồi một ngày kia, gặp khi có bóng trăng hữu
tình soi sáng trước sân, vợ chồng góp trăm mối lại để đem làm tâm sự thì sẽ
thú hết cả tội lỗi với người thương về những lỗi lầm ngày trước… nhưng
thôi, bây giờ thì còn biết thú tội với ai, thú tội cách gì, mà còn ai nữa để mà
thú tội!
Nằm trong đêm, mở mắt nhìn vào cái tối tăm sâu thẳm, bao nhiêu đoạn đời
sống bên cạnh vợ con, dưới mái nhà lành, hàng đêm lại hiện ra từng mẩu
một, từng mẩu một, và chưa bao giờ anh lại thấy ngao ngán cho mình như
thế, chưa bao giờ lại thấy cái thân bé nhỏ của mình chồng chất nhiều nỗi
sầu to đến thế!
*
* *
Sàigòn đẹp như mắt cô con gái đa tình! Ta yêu Sàigòn quá, nhưng ghét sao
mười mấy năm nay vẫn cứ giới nghiêm hoài không để cho người ta đi
thong thả nghe tiếng của ban đêm một chút? Thôi thì muốn làm gì nhau thì
làm, cũng cứ vùng dậy mà đi, đi, miễn là đi, nhưng đi đâu, mà đi làm gì,
chưa biết. Thì ra lầm quá: mình cứ tưởng tượng giờ giới nghiêm thì chẳng
có ma nào ở ngoài đường, hoá ra không phải. Giới nghiêm cho có lệ, chứ
một hai giờ sáng, nhiều nhà hàng, tiệm nước vẫn có khách túa vào, nhảy
nhót ăn chơi, hả quá.