giữa cánh đồng, bên một con sông đào nhỏ nước trong văn vắt.
Từ mười giờ sáng đến năm giờ chiều, các trai gái, hoặc là đi một mình hoặc
là cùng đi với bà con thân thích, kéo nhau tới chợ – nơi mà ngày thường
mấy xã ở quanh vùng vẫn họp nhau buôn bán. Nhưng hôm nay thì một con
cá, một lá rau cũng không có, vì đồng bào ở đây đã mua bán xong xuôi từ
mấy hôm trước rồi. Hôm nay, trai gái ăn mặc tề chỉnh, đến đây là để giao
duyên và tình tự với nhau. Có cặp thề sông hẹn núi; có đôi ước hẹn một
ngày chồng vợ vuông tròn; lại có những tình nhân trao đổi cho tình nhân
những món quà kỉ niệm. Khe suối, bụi tre, đồi cây, bờ ruộng, chứng kiến
bao nhiêu mối tình thơ mộng, dường như cũng rung động một cách khác
thường, tươi lên một cách khác thường. Những cái phá sặc sỡ, những cái
khăn, những đôi hài sảo thêu xanh viền đỏ với bao nhiêu hoa tai bạc, vòng
cổ vàng, vòng tay đen, vòng chân tím giao hoan với mây ngàn trắng màu
bạc cũ, gió núi biêng biếc màu bằng lăng làm cho phiên chợ cưới và bao
nhiêu cảnh vật ở chung quanh có một vẻ huyền ảo lung linh như một buổi
quần tiên đại hội trong một thuở vườn thần thánh trên Thiên Đình.
Phiên chợ cưới… Chớ sao? Tiên cũng lấy nhau, chớ đâu chỉ có người phàm
trần mà thôi. Cô sơn nữ và chàng trai vùng Tam Đảo quanh năm vất vả vì
ma chay, giỗ chạp, nuôi trâu bò, gà lợn và đi rừng cắt đông trùng hạ thảo,
mộc nhĩ, hái lá kim giao, quên làm sao được phiên chợ cưới cuối năm; hết
năm nọ đến năm kia, bọn này thành vợ thành chồng thì bọn khác lại kế tiếp
đi chợ cưới Tam Long để gắn bó keo sơn, kết nên những cuộc ân ái đẹp
như trăng thu, trắng như tuyết núi.
*
* *
Thả hồn về chợ tết ở Kinh, người chồng tiếc không biết bao nhiêu cái đẹp
đã qua và cảm thấy tức bực con người ở đây sao vất vả tấm thân vì nhiều