tháng chạp trở đi cũng bận rộn, vất vả y như vợ vậy. Cái việc mua giấy
hồng điều rắc vàng để nhờ ông Cả Nam viết câu đối dán ở cột trước cửa và
ngoài sân; cái việc mua trầm để đốt trên bàn thờ; cái việc đi chọn pháo
Công Tường Cát để đốt đêm giao thừa vào ba ngày tết, nhất định mình
không đảm trách thì không được. Cũng không được, nếu sắm sửa tết tàm
tạm xong xuôi mà mình lại không cùng với vợ đi thăm mộ gia tiên nội
ngoại để viếng các cụ, đắp lại mộ các cụ và thắp nhang mời các cụ về ăn tết
với con cháu nhà. Trước đây, làng Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc
Ninh có cái lệ đi thăm mộ gia tiên hàng năm ấn định vào ngày ba mươi
tháng chạp nếu là tháng đủ, hay hai mươi chín nếu là tháng thiếu. Nhiều
làng khác cũng theo như thế. Nhưng sau này, đời sống xô bồ, có thay đi
chút ít, người thành thị đi thăm mộ ông bà cha mẹ sớm hơn một chút, có
khi trước ngày ông Táo lên chầu trời, có khi sau vài ngày.
*
* *
Thực tình, cái giống nhà văn, nhà báo có lúc đáng yêu thật, nhưng có một
vài khi cũng làm cho đàn bà bực cả mình. Cái gì lại đem cả ông Táo ra chế
nhạo là “đội mũ đi hia chẳng mặc quần”? Cái gì lại đề nghị bỏ tục lễ ông
Táo mà cho như thế là dị đoan? Cái gì mà năm nào cũng nhạo ông Táo “lập
bô” lên với Trời về các việc xảy ra dưới trần?
Muốn nói gì thì nói, người vợ, đúng ngày hai mươi ba tháng chạp, cứ phải
đủ lệ bộ tiễn ông Táo lên trời thì mới yên lòng.
- Mình là người trần mắt thịt, biết thế nào là dị đoan hay không dị đoan,
biết thế nào là Tây Phương có lí hay Đông Phương có lí? Ai bảo phản khoa
học em chịu, ma ai bảo cái tục này do quan lại phong kiến đặt ra để ngu
dân, lại cũng chịu luôn; nhưng lễ tiễn ông Táo vẫn cứ lễ tiễn như thường vì
không làm như thế thì em ăn tết không ngon. Tội gì mình lại khổ thân mình