Câu đối có còn ôm đỏ cột,
Nêu dài tiếng khánh có khua vang?
Nói đến Tết ở miền Bắc thì trăm nhớ nghìn thương, chớ đâu chỉ có đào, câu
đối và cây nêu như nhà thơ xa cố quận nhờ nhạn đưa thư về hỏi thăm chị
Trúc? Nằm ở nơi đây là đất mà có người ca ngợi là mỗi khi tết đến “dưa
hấu chất cao hơn nóc chợ”, người xa nhà nhớ nhất cái mưa xuân bay nhè
nhẹ như hôn vào môi, vào má người ta, thay thế cho cái mưa phùn đem
buốt lạnh thấm vào da vào thịt; nhớ những con đường hoa láng láng, thơm
thơm như có bàn tay ai lau rửa thay thế cho cái lầy lội, ướt át kéo dài từ
tháng một sang đến thượng tuần và trung tuần tháng chạp; nhớ những hoa
mận, hoa đào đú đởn múa may trước gió hiu hiu thay thế cho những cành
khô nghèo nhựa nằm chết chóc trong giá rét trước ngày đông chí.
Tài thế, lập xuân rồi thời tiết đổi thay liền! Thảo nào sách Thích Danh giải
nghĩa Xuân tức là xuẩn, nghĩa là cựa động, muôn vật đến mùa ấy cựa động
mà sống dậy. Người đàn bà Trời đã cho đẹp, lập xuân rồi tự mình cũng thấy
mắt biếc hơn, má hồng hơn, ngực tròn hơn và cảm thấy như nhấp một thứ
men nồng làm cho lòng phơi phới.
Đêm qua hoa nở nhị vàng,
Sáng ngày thiếp thấy bóng chàng áo xanh.
Chàng áo xanh về quê ăn tết thấy cô gái đa tình, mấy mà không thấy lòng
rạo rực thương yêu và thốt ra lời tình tứ:
Vườn em có choẻn cau non,
Nhà anh có chiếc cơi son đợi chờ.
Thậm chí đến bậc lão đại, bạc cả mái đầu, thấy hoa xuân hé miệng ra cười
cũng cảm như thấy con tim muốn nói lên những lời yêu thê thiết.
Ai ơi, chơi lấy kẻo chầy