mùng năm cứ cắm đầu làm việc, không ăn tết Đoan ngọ đấy. Không bao
giờ, không bao giờ.
Đến cái lớp tôi lớn lên, bị ảnh hưởng của văn minh Âu Mỹ cứ kể đã là sâu
cay lắm, tôi cứ phải thú thực là không có một năm nào tôi bỏ được cái tục
giết sâu bọ - mặc dầu tôi đã làm cách mạng bản thân, không nhuộm móng
tay móng chân bằng lá móng như hồi còn bé tí.
Vào những ngày bé tỉ tí ti đó, bố mẹ tôi cho người đi mua lá móng về cho
vào cối giã từ ngày mùng bốn để đến tối thì phát cho mỗi đứa con một chút.
Anh em chúng tôi đem cái thứ lá giã nhỏ đó đắp vào mười đầu ngón chân,
mười đầu ngón tay rồi lấy những miếng vải nhỏ quấn lại một đêm để sáng
tinh mơ hôm sau thức dậy mở ra ngắm nghía và hành diện vì móng tay
móng chân mình đỏ chói mầu gạch cua bể luộc.
Bên cạnh cuộc cách mạng nhuộn móng chân móng tay, tôi lại bỏ luôn cái lệ
mua “bùa tua bùa túi” để đeo vào nút áo hầu tránh tà ma quỉ quái; nhưng
trước sau, du các ông nhà báo đả kích thế nào cũng mặc, cứ đúng sáng sớm
mùng năm tháng năm là tôi phải giết sâu bọ bằng cháo trắng, rượu nếp và
các thứ trái cây mà vợ đã đi chợ Mơ, Ô Cầu Dền mua cả đống về từ hôm
trước.
Nhớ đến như thế thì làm sao mà quên được là có nhiều lần hai vợ chồng
cặm cụi đồ xôi cả ngày rồi rắc men, rồi ủ, rồi đêm thức dậy dở ra xem đã có
nước chảy xuống thau chưa và bàn bạc có nên rút bớt lại không hay cứ để
nguyên thế cho tới sáng… Này em ạ, cái rượu nếp này ăn thì ngon thật,
nhưng làm công phu quá.
Hay là từ giờ ta cứ mua béng về ăn, tội gì mà vất vả cái thân thế này, mệt
quá.
Vợ không chịu, nhưng rồi cũng chiều chồng. Thực thế, cứ sáng mùng năm
tháng năm, các đường phố Hà Nội ngày xưa đâu cũng sang sảng tiếng rao
rượu nếp. Kêu một hàng vào mua, cả nhà ăn, chỉ mất hơn hào chỉ là cùng,
nhưng có phần thú hơn của nhà làm, không những vì các bà bán hàng này