Không thể coi Tống Giang là "lãnh tụ cách mạng nông dân trong xã hội phong
kiến" và Lý Quỳ là "hình tượng điển hình có tinh thần cách mạng kiên định nhất
của nhân dân lao động"
.
Giáo sư Lương Duy Thứ đưa ra dẫn chứng:
Thực ra, từ lâu Lỗ Tấn đã chỉ ra tính chất vô nhân đạo của những hành động manh
động, tự phát của các nhân vật Thủy Hử. Ông viết: "Tôi rất quý Trương Phi thẳng
thắn, không biết sợ cái gì. nhưng tôi căm thù Lý Quỳ, người giống Trương Phi
nhưng đã không phân biệt trắng với đen và là kẻ sẵn sàng chặt đầu hàng loạt bằng
cây rìu của mình".
Trong tác phẩm Thủy Hử, không phải anh hùng nào đang làm quan cho triều đình
lên Lương Sơn cũng vì bị gian thần vu cáo, hãm hại như Lâm Xung mà có những
trường hợp, chính các tướng lên Lương Sơn trước đặt họ vào tình thế buộc phải
theo lên Lương Sơn. Kim sang thủ Từ Ninh bị Thăng Long lừa lên Lương Sơn, đặt
vào "hoàn cảnh đã rồi", muốn về cũng không được. Hay Lư Tuấn Nghĩa bị Ngô
Dụng lừa viết bài thơ phản trắc lên tường (4 chữ đầu câu ghép thành "Lư Tuấn
Nghĩa phản") nên không còn đường chối cãi trước lời buộc tội. Chính vì vậy, khi
lực lượng Thủy Hử đánh Phương Lạp trở về và bị triều đình chia cắt, không phải
ngẫu nhiên có sự phân hóa trong tư tưởng của họ, mỗi người suy nghĩ và theo đuổi
mục đích riêng, không phải ai cũng hành động tự sát vì nghĩa, chết theo "Tống Ca
Ca" như Ngô Dụng và Hoa Vinh.
Phần đông các anh hùng Thủy Hử, nhất là những người xuất thân chiến tướng,
dường như chỉ biết chiến đấu, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng theo mệnh lệnh.
Chính vì vậy, họ dễ bị triều đình lợi dụng, như Hàn Tín bị Lưu Bang lợi dụng để khi
xong việc thì trừ bỏ. Đặc biệt sau khi quy hàng triều đình, họ chiến đấu miệt mài hết
trận này đến trận khác, thắng trận và lập công không biết mệt mỏi như những cỗ
máy và dường như cũng không đòi hỏi gì. Họ xả thân, chỉ biết tiến lên phía trước
mà không biết rằng sau lưng mình, bọn gian thần Cao Cầu, Đồng Quán chỉ chờ họ
giết xong giặc thì sẽ đâm lén họ.
Về hình mẫu các nhân vật
Tuy Thủy Hử có sự đa dạng về tính cách và sở trường, sở đoản các nhân vật nhưng
theo ý kiến các nhà nghiên cứu, trong đó có ý kiến của nhà phê bình Kim Thánh
Thán đời nhà Thanh, một số nhân vật trong Thủy Hử có những nét tương đồng với
nhân vật trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Đó là nguyên nhân chính
để các nhà nghiên cứu khẳng định sự tham gia ở mức độ nhất định của La Quán
Trung đối với tác phẩm Thủy Hử.