Bà nhận các đồ bảo vật, bảo Tây Môn Khánh hãy về rồi một mình xăm xăm theo lối
cửa sau mà sang nhà Võ Đại. Vợ Võ Đại thấy Vương Bà đến, liền mời lên gác ngồi
nói chuyện. Vương Bà hỏi:
- Sao mấy hôm nay nương tử lại không sang chơi nhà tôi xơi nước?
Chị chàng kia đáp rằng:
- Mấy hôm nay tôi không được khỏe trong mình, nên không muốn đi đâu cả.
- Chẳng hay nhà nương tử có cuốn lịch không? Nhờ nương tử xem giúp già tôi xem
ngày nào có thế may áo được?
- Bà may áo gì thế?
- Ối chào! Chả giấu gì nương tử; Tôi bây giờ cũng đau yếu luôn, chẳng chắc rằng
trời đất ra thế nào, bởi thế muốn may một áo tống chung, để phòng bị cho đỡ lo về
sau. May lại có một tài chủ ở gần đây có lòng tốt thương đến già tôi, đem cho mấy
tấm vóc lụa, vẫn cứ để ở nhà mãi mà không sao may được? Ngày nay nhân thấy
trong mình đã già yếu, nên muốn may đi cho xong, nhưng mấy hôm trước thì anh
thợ may đằng kia cứ kêu là bận việc không may được, thành ra nấn ná mãi đến nay,
nương tử nghĩ có khổ không?
Chị chàng nghe nói cười mà rằng:
- Tôi đây khâu vá vụng về lắm, nhưng nếu bà có bằng lòng dùng tạm thì tôi xin may
giúp cho.
Vương Bà cũng cười hớn hở mà đáp lại rằng:
- Nếu được nương tử giúp cho thì tôi chết cũng thoả lòng, nương tử vốn là tay khéo,
xưa nay tôi đã biết, nhưng có khi nào dám phiền đến nương tử như thế?
- Có can chi việc ấy! Tôi đã hứa giúp bà thì tất nhiên tôi hết lòng giúp, để tôi đem
lịch ra chọn ngày nào là ngày Hoàng đạo rồi ta may cũng được chứ sao?
- Nương tử có lòng giúp tôi như thế, thực là một vị Phúc tinh tới nơi, còn cần chi
phải chọn ngày nữa?. Hôm trước tôi cũng nhờ người xem, họ nói đến ngày mai là
ngày Hoàng đạo nhưng tôi tưởng mai áo thì không cần ngày Hoàng đạo nên cũng
không nhớ làm gì.
- May áo Thọ chính phải cần ngày Hoàng đạo, nếu vậy thì không cần phải xem nữa.
- Vâng, nương tử đã có lòng tốt như thế thì đến mai tôi xin sang đây dọn dẹp để nhờ
nương tử khâu giúp cho. nhưng có điều không ai coi nhà cho tôi bên ấy.
- Được, để sáng mai tôi ăn cơm nước xong rồi sẽ sang đấy khâu giúp bà, bất tất phải
mang sang đây cũng được.
Vương Bà nghe nói thì lấy làm mừng rỡ cảm ơn rồi tạ từ trờ về báo cho Tây Môn
Khánh biết rồi để dự bị việc ngày mai. Sáng hôm sau Vương Bà dậy sớm dọn dẹp
buồng the sạch sẽ, đem các đồ hoa quả và sắp sẵn nước non bày ra bàn để đợi. Bên
kia vợ Võ Đại đợi khi chồng cất gánh hàng ra đi rồi mới treo rèm ra cửa, quay vào
lối cửa sau mà đi sang nhà Vương Bà. Vương Bà vội vàng đón vào, mời xơi nước
nôi và hoa quả rồi đem các thứ vải vóc ra cho vợ Võ Đại đo cắt. Vương Bà đứng
xem lối cắt áo và may thì tán tụng thêm lên: Thật là khéo léo, lão già đã bảy tám